Khi công nghệ trở thành điểm mạnh trong bài toán tiêu thụ nông sản
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng nông sản của nông dân trên nhiều vùng miền đã rơi vào tình trạng ứ đọng và không thể phân phối với khối lượng lên đến hàng chục nghìn tấn ở mỗi tỉnh. Như mọi khi, cách thức giải quyết tạm thời là kêu gọi người tiêu dùng cả nước tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương nằm trong vùng dịch như: Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,... với mong muốn giảm bớt tổn thất cho người nông dân. Tuy nhiên, xét về tổng thể, việc tổ chức các chương trình giải cứu nông sản ngắn hạn, chỉ mang tính tập trung tại một số địa điểm vẫn khiến người nông dân nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung bị tổn thất.
Do đó, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, nông đưa nông sản Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử với chương trình thí điểm đầu tiên với vải thiều bắt đầu từ tháng 3.2021. Các sàn TMĐT Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Cục xúc tiến Thương mại cùng các đơn vị phân phối nông sản để đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm tồn đọng. Đơn cử như chương trình ShopeeFarm của sàn TMĐT Shopee được khởi động từ tháng 4.2021 với hình thức triển khai trên diện rộng và đi theo lối bền vững, không chỉ tập trung vào việc tìm đầu ra cho các nông sản còn song song quảng bá các loại cây trái đặc sản khác của từng vùng miền trên khắp Việt Nam đến người tiêu dùng
ShopeeFarm - Không đơn thuần là đem nông sản lên sàn tiêu thụ
Với ShopeeFarm, bà con nông dân được tiếp cận thêm cách thức truyền thông cho sản phẩm cũng như Hợp tác xã của mình, từ đó tiếp cận thêm nhiều đối tác trong và ngoài nước. Điển hình là trường hợp của Hợp tác xã Quyết Thanh, Mộc Châu, Sơn La. Sau khi đưa sản phẩm trên sàn TMĐT Shopee, các thương lái và doanh nghiệp bắt đầu tìm tới để thu mua sản phẩm của Hợp tác xã Quyết Thanh nhờ vào thông tin được quảng bá rộng rãi thông qua nhiều hình thức mới như livestream, các chương trình ưu đãi giảm giá, miễn phí vận chuyển tại các sự kiện mua sắm lớn mỗi tháng của sàn.
Rõ ràng, khi toàn bộ quy cách đóng gói hàng hóa được quy chuẩn và chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dùng mà không thông qua các thương lái, giá trị nông sản sẽ gia tăng cả về mặt chất lượng lẫn hình thức. Đồng thời, người nông dân không còn phải phụ thuộc nhiều vào các hình thức vận chuyển truyền thống mà được tận dụng các hình thức giao hàng tiên tiến, nhanh chóng từ sàn TMĐT để mở rộng phạm vi vận chuyển đến các địa phương ở xa, giảm bớt hạn chế về mặt địa lý. Nhờ lợi thế này, mận Mộc Châu, Sơn La đã giao vào TP. HCM; măng cụt tại Cầu Kè, Trà Vinh đã giao ra Hà Nội chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, đảm bảo độ tươi ngon của nông sản.
Thông qua ShopeeFarm, người nông dân trực tiếp theo dõi được phản hồi của khách hàng để kịp thời điều chỉnh mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện cho họ tìm hiểu và tiếp cận thị trường tốt hơn từ những phản ứng xác thực của người dùng thông qua lượng đơn hàng, số liệu về lượng cầu, sức mua của người tiêu dùng.
Từ những thông tin, số liệu cụ thể, người nông dân có thể chủ động lên kế hoạch cho mùa vụ sau chính xác hơn, hạn chế tồn đọng nông sản, cũng như nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới có giá trị cao hơn. Cụ thể, ShopeeFarm đã hỗ trợ các HTX, hộ kinh doanh sầu riêng tại Tiền Giang phát triển thêm sản phẩm hộp sầu cắt múi, cấp đông. Sản phẩm mới này có thể bảo quản lâu và tiêu thụ quanh năm, giảm thiểu hạn chế về mùa vụ, bảo quản và giao hàng như trước đây. Nhờ giải pháp này, sầu riêng cấp đông đã có thể phân phối được cho các đối tác khác qua nhiều kênh hơn và thậm chí được đề nghị xuất khẩu ra nước ngoài.
Đồng hành cùng các Bộ, Ban, Ngành và Địa phương để tiêu thụ nông sản bền vững trên khắp Việt Nam
Không dừng lại ở mục tiêu tiêu thụ nông sản của một tỉnh nhất định, ShopeeFarm hướng đến việc hỗ trợ HTX, Sở Công Thương các địa phương trên khắp Việt Nam quảng bá và giới thiệu nông sản của khu vực mình thông qua việc xây dựng các câu chuyện điển hình của về hiệu quả kinh doanh trên sàn TMĐT của các doanh nghiệp, HTX tại địa phương để từ đó thúc đẩy các HTX khác cùng tham gia vào các chương trình ứng dụng TMĐT, góp phần hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ trong chuyển đổi số nông nghiệp.
Với những lợi thế sẵn có này, trong Quý 3.2021, ShopeeFarm sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cục Xúc Tiến Thương Mại, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, và Sở Công Thương các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Hưng Yên, Bình Thuận, Đăk Lăk, Cần Thơ để triển khai chương trình tại các địa phương này, nhằm giúp bà con tiêu thụ sản phẩm và quảng bá giới thiệu các sản phẩm của địa phương tới người dân trên cả nước thông qua sàn TMĐT Shopee.