Theo báo cáo quý của SsangYong Motor, hiện tại công ty đang có khoản vay nợ lên đến hơn 322 triệu đô la Mỹ sẽ đến hạn phải trả trong gần 1 năm tới, trong số đó có tới gần 1 nửa là các khoản cho vay từ các ngân hàng nước ngoài như JP Morgan, BNP Paribas và Bank of America.
JP Morgan hiện đã tăng thời hạn cho khoản vay 40 tỷ won và 50 tỷ won thấu chi, còn BNP Paribas và Bank of America cũng đã nới rộng khoản vay 47 tỷ won cùng với 30 tỷ won thấu chi. Do đó, Mahindra được yêu cầu phải giữ lại tối thiểu 51% cổ phần của mình tại SsangYong.
Trụ sở Mahindra - tập đoàn sở hữu thương hiệu SsangYong. |
Vì vậy, thương vụ tìm kiếm nhà đầu tư mới cho SsangYong được cho là không dễ dàng. Bởi khi nguồn tiền từ các nhà đầu tư mới được đổ vào, đồng nghĩa với việc số cổ phần của Mahindra sẽ thấp hơn mức tối thiểu 51%. Khi đó tạo ra sự không chắc chắn trong việc tái cấp vốn để bù đắp các khoản vay này, đồng thời Ssangyong sẽ phải trả nợ vay sớm hơn ngày đến hạn ban đầu.
Tính đến ngày 30/3/2020, Mahindra & Mahindra sở hữu 74,65% cổ phần của SsangYong, tương đương hơn 111 triệu cổ phiếu.
Trong khi Mahindra đang tìm kiếm nhà đầu tư mới để chia sẻ thương hiệu SsangYong thì theo một số nguồn tin đã có những cái tên có nhu cầu. Sau 2 thương hiệu ô tô Trung Quốc BYD và Geely thì đã có thêm sự xuất hiện của Chery và Renault Samsung. Ford cũng là cái tên muốn sở hữu SsangYong và đặc biệt, trong danh sách những nhà đầu tư tiềm năng còn có tên hãng xe Vinfast đến từ Việt Nam.
So với các đối thủ, VinFast có lợi thế khi tiếp cận Ssangyong, trong bối cảnh mọi nỗ lực thâu tóm vào lúc này được thực hiện bằng việc mua lại cổ phần của tập đoàn này từ tay Mahindra & Mahindra (công ty con của tập đoàn Ấn Độ Mahindra).
Thông qua hợp tác với Pininfarina, Vinfast có lợi thế sở hữu SsangYong hơn các đối thủ. |
Mahindra hiện có 75% cổ phần SsangYong. Trong khi VinFast đang hợp tác với Pininfarina (cũng thuộc Mahindra) để phát triển chiếc ô tô điện của riêng mình, với lịch ra mắt sản phẩm thương mại vào giữa năm 2021 tại Mỹ. Việc sở hữu các nền tảng và công nghệ từ Ssangyong sẽ cho phép Vinfast dễ dàng mở rộng dải sản phẩm của mình, trong khi thâu tóm lại hệ thống phân phối xe sẽ tạo thuận lợi mở rộng năng lực kinh doanh.
Mặc dù sở hữu SsangYong là mục tiêu nhiều nhà đầu tư hướng đến, nhưng đối mặt với khoản nợ mà thương hiệu Hàn Quốc này đang cần giải quyết cũng là thách thức với bất kỳ nhà đầu tư nào. Đặc biệt là trong bối cảnh thương hiệu này tới nay đã báo cáo lỗ hoạt động tới quý thứ 13 liên tiếp. Doanh số bán hàng của Ssangyong đã chậm lại ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Những chiếc SUV chủ lực của hãng là Tivoli, Korando và Rexton đều không thể chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.