10 nhận định về sự phát triển của đạo Phật ở phương Tây

10 nhận định về sự phát triển của đạo Phật ở phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
Đạo Phật phương Tây đã thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? Đó là đầu đề một bài báo của ông trên The Guardian , tháng 3-2012.

Phật giáo đã thâm nhập các nước Âu, Bắc Mỹ, Úc và gây được cảm tình trên khắp các lục địa, khởi đầu từ các nhà trí thức, khoa học, triết học hàng đầu của phương Tây sớm tiếp cận với Phật giáo, và sau đó là các nhà sư và Phật tử từ các nước Phật giáo châu Á (Nhật Bản, Trung Hoa, các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc...) tu tập và gieo mầm Phật trên đất mới.

Ngoài một số đáng kể Phật tử tu tập theo các truyền thống Phật giáo các nước châu Á, Phật tử và các nhà khoa học, triết học phương Tây phần lớn đến với đạo Phật bằng con đường nghiên cứu, học tập và tu tập thiền.

Tại các nước phương Tây, rất nhiều công trình nghiên cứu Phật giáo, dịch kinh, cũng như nhiều hội nghị, hội thảo, trao đổi, nói chuyện về đề tài Phật giáo đã làm tươi mới sinh hoạt tôn giáo trên nền tảng văn hóa và khoa học phát triển theo chiều hướng hiện đại.

Từ khi nào đạo Phật ở phương Tây hình thành? Giới triết học và trí thức phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu đạo Phật, như nhà triết học Đức Schopenhauer nghiên cứu sách Phật và các tôn giáo khác tại châu Á, nhà triết học Mỹ Henry David Thoreau dịch kinh Phật, nhà khoa học Friedrich Nietzsche viết sách tán dương đạo Phật, đặc biệt là hai nhân vật phương Tây cải đạo theo Phật giáo là Henry Steel Olcott và Helena Blavatsky vào năm 1880. Như vậy có thể xem như Phật giáo đã du nhập vào phương Tây vào cuối thế kỷ thứ XIX. Tuy nhiên, để Phật giáo trở thành một tôn giáo của phương Tây thì cũng cần một chặng đường dài, cho đến khi Phật giáo theo dòng người Đông Á và Nam Á di cư đến, và mới đây không xa, khi thế giới đã toàn cầu hóa nhiều mặt của đời sống xã hội và con người, khi tiếng Anh đã trở thành phương tiện ngôn ngữ giao tiếp chung, thì đạo Phật đã có tính quần chúng hơn trước rất nhiều.

Qua một quá trình như thế, giới chức Phật giáo, Phật tử, các nhà Phật học, các nhà nghiên cứu nhận định thực trạng của đạo Phật ở phương Tây như thế nào? Đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, sau đây tôi xin dẫn những nhận định của một nhà nghiên cứu Phật học người xứ Wales (Anh), Vishvapani Blomfield. Ông tự nhận là người thầy dạy về chánh niệm (đã dạy hơn 100 lớp qua nhiều năm), là nhà văn, biên tập viên và xướng ngôn viên truyền hình, tham gia biên tập trên BBC về Thought for the Day (Mỗi ngày đề xướng một ý tưởng hay, có tác động tốt cho người nghe). Ông là tác giả của tác phẩm khá nổi tiếng Gautama Buddha: The Life and Teachings of the Awakened One (Đức Phật Thích Ca: Cuộc đời và Giáo pháp của bậc Toàn giác).

Đạo Phật phương Tây đã thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? Đó là đầu đề một bài báo của ông trên The Guardian, tháng 3-2012. Vì sao 50 năm? Ông giải thích, đó là thời gian, kể từ khi những giảng sư Phật giáo bắt đầu đến phương Tây vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, với cách sống và thái độ khác biệt chuẩn mực của xã hội đang thịnh hành. Ông đưa ra 10 nhận định như sau:

1. Đạo Phật phương Tây không quy tất cả về sự giác ngộ. Nhiều người tìm đến Phật giáo trong thập niên 60 đã xem Niết-bàn là kinh nghiệm tột cùng. Một thập niên sau, những người hippies thế hệ sau này đã nhận ra một cách khó khăn rằng Phật giáo quan tâm đến việc định hình tính cách và hành vi hơn là những kinh nghiệm lớn, huyền bí. Phật tử trẻ tuổi thường được hâm nóng nhiệt huyết bởi hành động xã hội hơn là thần bí.

2. Phật giáo không phải chỉ quy về các nhà sư. Tại phần lớn các nước châu Á, các nhà sư là những người tu hành thực sự, tập trung vào thiền và tu học, trong khi cư sĩ hỗ trợ người tu hành. Sự phân biệt giữa nhà sư và cư sĩ không thích hợp với xã hội hiện đại phương Tây, và những vị giáo phẩm trong tự viện phương Tây là hiếm có. Những người tu tập ngoài tự viện thường thường cũng rất nghiêm chỉnh và họ nắm quyền trong những phong trào Phật giáo khác nhau.

3. Đạo Phật Tây Tạng mang nặng hành trang từ nóc nhà của thế giới. Những vị Lạt-ma Tây Tạng đến những vùng đất mới lạ thường và huy hoàng vào những năm 70 của thế kỷ trước. Cùng với nguồn cảm hứng và trí tuệ, họ đã mang đến những tranh luận về bộ phái, tính lạ lùng của tôn giáo, sự kiện “Lạt-ma tái sinh”, lối tu tập Mật tông và tính bảo thủ sâu sắc. Người phương Tây yêu mến người Tây Tạng, nhưng cũng chú ý đến hành trang của họ.

4. Những trường phái pha trộn lẫn nhau. Phần nhiều những giảng sư Phật giáo người châu Á muốn xây dựng những trường phái có sẵn vào những nước châu Âu. Từ đó, có mặt thiền Zen phương Tây, Theravada phương Tây, vv... Nhưng những ranh giới đó bị gãy đổ vì những Phật tử phương Tây, năng động trong những nhu cầu chung, họ đã khám phá toàn bộ truyền thống Phật giáo. Thế giới Phật giáo mới ở phương Tây về căn bản là không thuộc bộ phái hay giáo phái nào cả.

5. Mọi người nắm lấy những gì họ cần, chứ không phải những gì được cho. Đối với toàn bộ những thảo luận về dòng tu, truyền thừa và sự thanh tịnh của giáo pháp, đạo Phật phương Tây được hướng theo nhu cầu của người học cũng như mong muốn của các vị thầy.

6. Chánh niệm là nơi gặp gỡ giữa đạo Phật và phương Tây. Thực hành chánh niệm Phật giáo được áp dụng khắp nơi, từ trị liệu sức khỏe tinh thần đến ẩm thực, và ngày nay chứng kiến một sự “bùng nổ chánh niệm” ("mindfulness boom”). Những lối tiếp cận này đã áp dụng quán sát nội tâm cốt lõi của Phật giáo vào cuộc sống hiện đại, làm cho những thực hành này phát triển vô cùng lớn trong đạo Phật phương Tây kể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Chắc 50 năm tới những thực hành này càng sắc nét hơn.

7. Nhưng đó không phải là điểm gặp gỡ duy nhất. Phong trào chánh niệm bị cường điệu như là “đạo Phật mới cho phương Tây”. Nhưng, trừ khi bạn đang theo một con đường chân thật cao quý, đạo Phật có nhiều hơn, chứ không chỉ có chánh niệm. Ảnh hưởng Phật giáo vào văn hóa phương Tây khá mạnh mẽ trong nhiều ngành nghệ thuật, hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, trị liệu tâm lý và cuộc sống những người làm việc.

8. Những người phương Tây có thể thiền và ngay cả giác ngộ. Tác giả bài báo trên tờ Guardian cho biết: “Rất nhiều Phật tử tôi quen biết đã tu tập qua nhiều thập niên, đã tự học và dạy. Những người phương Tây hoàn toàn có thể kiến tạo đạo Phật cho mình, và đó là tương lai đạo Phật”.

9. Nhưng tình dục không phải là điều xa lạ. Những vụ tai tiếng và những chuyện đời đau khổ chứng tỏ rằng, ngay cả đối với những người tôn thờ độc thân, tình dục cũng không phải xa lạ. Có đáng ngạc nhiên không?

10. Một vấn đề đặt ra: Vậy thì đạo Phật phương Tây là thế tục hay tôn giáo? Một chiều hướng đang lên, mong cách ly đạo Phật khỏi những yếu tố không ở trong cuộc đời này như nghiệp và tái sinh để chỉ còn đạo Phật thế tục tương hợp với khoa học. Điều này nảy ra một câu hỏi lớn: Liệu theo khoa học có đồng nghĩa con đường đến giác ngộ bị trật đường ray? Có phải đạo Phật là một nguồn lực thử thách phương Tây? Chắc là 50 năm nữa mới có câu trả lời thỏa đáng.

Mười nhận định nêu trên, những Phật tử bên ngoài phương Tây khó mà bàn luận vì thiếu thực tế, hơn nữa, đây chỉ là nhận định của một nhà nghiên cứu Phật học và thiền giả phương Tây về một vấn đề lớn và bao trùm ở phương Tây; tuy nhiên, nhận định cuối cùng về thế tục hóa đạo Phật thì nghe có vẻ lạ lùng và trái với thế giới quan và đạo đức Phật giáo. Một người bình thường có thể cảm kích những lời Phật dạy trong cuộc sống, đặc biệt là Ngũ giới và Bát Chánh đạo, nhưng nếu một người không biết đến nghiệp báo, nhân quả, luân hồi và tái sinh thì làm sao giải thích được hậu quả và trách nhiệm hành động của mình trong dòng sinh diệt vô thủy vô chung? Và lý tưởng của người xuất gia là gì, nếu không thoát vòng sinh tử luân hồi? Vì vậy, không thể có Phật giáo thế tục hóa, mà chỉ có những người thế tục phương Tây hiểu và ứng dụng đạo Phật theo cách của mình.

Cùng với những người như thế, những Phật tử không mấy khi đến chùa hoặc thậm chí không biết đến chùa hay tu viện, chắc hẳn họ thiếu không gian thiêng liêng để thờ tự, để cùng hòa với Tăng chúng và đạo tràng, để đắm mình trong tụng kinh, trong nghi lễ, và như vậy yếu tố tôn giáo nhạt nhòa đi. Nhưng nếu nhìn tổng quan hơn, Phật tử khắp nơi vẫn biết đến những nhà sư phương Tây thuộc nhiều trường phái khác nhau, tu hành miên mật, thiền viện uy nghiêm, nghiên cứu, viết sách và thuyết pháp có tính thuyết phục cao.

Có điều phải công nhận một thực tế rõ ràng: Đạo Phật đến đâu thì hòa bình, yên vui, bất bạo động đến đó, nhưng không dễ để một người trở thành một Phật tử đúng nghĩa, nhất là một người phương Tây mang gánh nặng của văn hóa, khoa học, tự do cá nhân, và niềm tin vào Thượng đế cố hữu.

Cao Huy Hóa

Tài liệu sử dụng:

Vishvapani Blomfield, “How western Buddhism has changed in 50 years”, The Guardian, 16 Mar 2012.

Theo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục