Nằm cạnh UBND xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), ngôi chùa Kom Ph’lưng có vẻ ngoài uy nghiêm, trầm mặc với thời gian. Nhìn tổng thể, công trình kiến trúc này gồm : cổng chùa, hàng rào, chánh điện, nhà Sa-la, tháp để cốt… Nổi bật hơn hết là ngôi chánh điện được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so với các công trình khác.
Cổng chùa Kom Ph’lưng |
Ngôi chùa này nổi tiếng về câu chuyện thi thể Hoà thượng Chau Tinh (1935-2014) không bị phân huỷ dù đã mất gần 10 năm. Khi thi thể Hoà thượng Chau Tinh được cất lên, các sư thầy trong chùa cùng bà con trong vùng đều cảm thấy lạ, dù đã tận mắt chứng kiến nhưng nhiều người cũng không dám tin.
Phụ trách tại chùa, sư Chau Nền cho biết, từ nhỏ, Hoà thượng Chau Tinh tu học tại một ngôi chùa ở huyện Tri Tôn. Tới năm 13 tuổi, sư về tu học tại chùa Kom Ph’lưng cho đến lúc qua đời, được chôn cất trong khuôn viên chùa.
Vào tháng 3/2020, theo tập tục tôn giáo, thi thể sư Chau Tinh được cải táng sau 6 năm. “Ngày dở hài cốt, các sư cùng người dân tập trung rất đông. Khi mở nắp quan tài thấy cốt không tan rã, vẫn còn nguyên da đắp xương, không có mùi hôi”, sư Chau Nền nhớ lại.
Thi thể Hoà thượng Chau Tinh được đặt trong lồng kính, thường xuyên có người đến chăm sóc, nhang khói |
Sư Chau Nền cho biết thêm, theo lẽ thường, khi chôn cất suốt nhiều năm, phần da thịt sẽ bị thối rữa, phân huỷ, nhưng thi thể Hoà thượng Chau Tinh vẫn còn nguyên vẹn như lúc vừa chôn. Trước đó, trong lúc tẩm liệm, các sư thầy không sử dụng bất kỳ loại hoá chất hay phương pháp ướp xác nào.
“Hiện tượng lạ nên nhà chùa quyết định xây dựng lại ngôi bảo tháp khang trang hơn, sau đó lồng kính, mỗi ngày đều có người đến hương khói”, vị đại diện chùa Kom Ph’lưng cho hay.
Chùa Kom Ph’lưng từ trên cao |
Thời gian đầu lưu giữ thi thể vị Hoà thượng, dòng người hiếu kì khắp nơi kéo đến xem rất đông, đặc biệt vào các dịp lễ. Dần dần, người dân địa phương xem việc này trở nên quen thuộc.
Công chức văn hoá xã Ô Lâm Chau Xuân Huân cho biết, chuyện thi thể Hoà thượng Chau Tinh ở chùa Kom Ph'lưng không bị phân hủy là có thật. Theo tập tục của người Khmer, không có quy định phải chôn thi thể xuống đất nên địa phương cũng không can thiệp vào.