Trước đó, ngay sau khi nắm được thông tin về việc cháu C.H.P. (11 tuổi, ngụ tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị bạn đánh phải đi khám tại bệnh viện khi tham dự khoá tu mùa hè diễn ra tại chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội),;chính quyền sở tại cùng các cơ quan chức năng có liên quan đã lập tức vào cuộc xác minh, làm rõ. Huyện Thanh Oai đã yêu cầu tạm dừng 8 khóa tu mùa hè còn lại ở ngôi chùa này.
Tối ngày 17/6, tại chùa Cự Đà đã diễn ra buổi hoà giải giữa chị N.T.G.N. (mẹ cháu P.) với bà Phạm Thị Thu; với sự chứng kiến của đại diện GHPGVN huyện Thanh Oai, đại diện chùa Cự Đà cùng trưởng thôn Cự Đà. Tại buổi hoà giải, bà Thu cho biết, sự việc xảy ra vào trưa ngày 15/6 – tức ngày thứ 4 của khoá tu. Khi sự việc xảy ra, bà Thu được người phụ trách lớp của cháu P. thông báo rằng cháu P. kêu đau tay.
Bà Thu phân trần: “Nghe thấy thông tin như vậy, tôi đã yêu cầu các bạn phụ trách đưa cháu bé vào bệnh viện để kiểm tra. Trong quá trình đưa cháu đi khám, chúng tôi quyết định chưa báo cho gia đình vội vì sợ báo thì gia đình sẽ lo lắng. Sau khi có kết quả khám, tôi có hỏi han cháu P. về nguyên nhân khiến cháu bị đau thì cháu có nói với tôi rằng cháu bị ngã. Các bạn phụ trách cũng nói với tôi rằng cháu P. bị ngã”.
Theo bà Thu, sai sót của bà là đã không trực tiếp gọi điện báo sự việc tới gia đình cháu P. Nguyên nhân khiến bà không thông báo việc này cho gia đình cháu bé là do điện thoại của bà bị hết pin và do cháu P. nói rằng không cần phải báo cho gia đình.
Bà Phạm Thị Thu cho biết, mỗi khi có bên nào đó cần tiền để chi tiêu cho các hoạt động của khoá tu, bà sẽ là người thực hiện việc chuyển tiền cho bên đó. Điều này đồng nghĩa với việc, bà Thu chính là người đã giữ toàn bộ khoản tiền phí "cúng dường" đã thu từ các phụ huynh có con em tham gia khoá tu mùa hè tại chùa Cự Đà. |
Giải thích về việc tại sao khi về nhà, cháu P. lại khẳng định với gia đình là cháu bị bạn cùng khoá tu đánh; bị những người phụ trách ở lớp doạ nạt rằng không được nói với người khác và với gia đình là bị bạn đánh mà phải nói rằng bị đau như vậy là do bị ngã, nếu không sẽ bị phạt quỳ hương tới 2 giờ đồng hồ; bà Thu cho rằng, cháu P. nói vậy là do sợ hãi.
Bà Thu cũng cho biết thêm, việc những người phụ trách lớp học trong khoá tu phạt các cháu bé quỳ hương khi không nghe lời là có thật, tuy nhiên việc quỳ hương này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn chứ không có việc các cháu bé bị phạt quỳ hương tới 2 giờ đồng hồ. Bà Thu không nắm được việc người phụ trách lớp xúi giục cháu P. nói dối với gia đình là bị ngã. Việc bà này cầm roi, hay doạ nạt các cháu trong quá trình tham gia khoá tu chỉ nhằm mục đích để các cháu sợ chứ bà không đánh bất kỳ cháu bé nào cả.
“Các lớp trong khoá tu sẽ được chia ra hai loại lớp là lớp nữ và lớp nam, mỗi lớp sẽ có 3-4 người phụ trách. Để quản lớp, nếu chỉ có các cô không thôi thì các cô sẽ rất mệt, chính vì vậy mà tại các lớp đều có thêm cả những chúng trưởng là nam giới phụ trách. Tuy nhiên, khi ngủ cùng các cháu thì bao giờ các cô nữ sẽ ngủ với các cháu nữ, còn các thầy nam sẽ ngủ với các cháu nam”, bà Thu nói.
Cũng theo bà Thu, tiêu chuẩn để lựa chọn những người phụ trách cho khoá tu là những người có nghiệp vụ sư phạm, từng dạy trẻ em và phải là người có kinh nghiệm, từng tham gia các khoá tu do bà này tổ chức. “Những người này phải làm theo đúng nội quy do tôi đưa ra, phải yêu thương trẻ con và phải hết sức để ý đến các cháu”, bà Thu nhấn mạnh.
Đối với việc thu-chi các khoản tiền phí “cúng dường”, bà Thu khẳng định việc này đều có các kế toán theo dõi hàng ngày. “Số tiền này bên ban tổ chức mỗi lần chi khoản gì thì đều xin phép thầy Trụ trì. Nếu bên nào cần tiền để chi dùng cho các hoạt động của khoá tu thì tôi sẽ chuyển tiền cho bên đó”, bà Thu cho hay.
Điều này đồng nghĩa với việc, bà Thu thừa nhận bà là người hiện đang giữ toàn bộ khoản tiền phí “cúng dường” đã thu của các phụ huynh có con em đã từng tham gia và đã đăng ký các khoá tu mùa hè tại chùa Cự Đà.
Cũng tại buổi hoà giải, chị N. bày tỏ sự bức xúc trước việc bà Phạm Thị Thu hoàn toàn không thông tin tới gia đình chị việc cháu P. bị bạn đánh khi tham dự khoá tu. Chị N. cũng cho biết, người phụ trách lớp của cháu P. đã thừa nhận với chị rằng các cháu bé khi tham gia khoá tu đã từng bị phạt quỳ hương tới 30 phút, việc phạt quỳ hương này được bà Thu áp dụng đối với toàn bộ lớp chứ không chỉ riêng với cá nhân cháu bé nào.
Chị N. cũng yêu cầu bà Thu phải viết thư xin lỗi gia đình chị; phải trả lại toàn bộ phí “cúng dường” mà bà này đã thu của các bậc phụ huynh đăng ký khoá tu mùa hè số 3; đồng thời chị N. cũng yêu cầu GHPGVN huyện Thanh Oai cùng chùa Cự Đà dừng ngay việc để cho bà Thu đứng ra tổ chức các khoá tu khác tại ngôi chùa này và tại các ngôi chùa khác trên địa bàn huyện.
Bất chấp huyện Thanh Oai đã yêu cầu dừng các khoá tu mùa hè tại chùa Cự Đà, bà Thu vẫn phát đi thông báo về việc tiếp tục tổ chức khoá tu mùa hè chùa Cự Đà, nhưng chuyển địa điểm tu từ chùa thành khu nghỉ dưỡng. |
Bên cạnh đó, chị N. còn yêu cầu bà Thu phải thực hiện việc công khai, minh bạch thu-chi đối với các khoản tiền của khoá tu số 2, nếu còn thừa thì phải chuyển cho phía nhà chùa quản lý dưới hình thức tiền công đức, và có sổ sách, giấy tờ ghi nhận nhằm chứng tâm công đức cho các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, dù chính quyền huyện Thanh Oai đã yêu cầu dừng toàn bộ các khoá tu tại chùa Cự Đà, phía nhà chùa cùng bà Thu cũng đã cam kết sẽ dừng các khoá tu chưa tổ chức và tiến hành trả lại tiền cho các phụ huynh; thế nhưng theo ghi nhận thực tế thì ngay trong sáng ngày 18/6, thông qua ứng dụng Zalo, bà Thu đã phát đi thông báo tới nhóm các phụ huynh có con đăng ký khoá tu mùa hè số 3 với nội dung: chuyển địa điểm tổ chức từ chùa Cự Đà thành khu “rì sọt” (resort - khu nghỉ dưỡng), với số lượng tối đa 300 trẻ em.
Cũng từ đây, dấu hỏi lớn về việc phía chùa Cự Đà liệu có đang quá bất cẩn và sơ suất hay không khi chưa có những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn việc bà Phạm Thị Thu lợi dụng danh nghĩa và uy tín của một ngôi chùa thuộc sự quản lý của GHPGVN để tổ chức các khoá tu nhằm thu tiền “vô tội vạ” hòng trục lợi?
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!