Trong tiếng Việt mình hay nói tới bình an. Bình an có nghĩa là gì? Có nghĩa là tâm muốn an trước nhất phải bình. Muốn tâm bình thì ta phải tĩnh (bình tĩnh). Muốn tâm tĩnh thì phải lặng (tĩnh lặng). Khi tâm lặng thì ta trở thành nhà quan sát trước những gì đang diễn ra nơi thân, tâm.
Điều này có nghĩa là tâm ta không thể bình được là vì nó giao động, vì giao động nên ta đánh mất đi sự tĩnh tại và vì thế không thể nào an.
Nhưng cuộc đời có khi nào êm xuôi, không sóng gió, không khó khăn đâu. Cuộc đời luôn là sự biến thiên của những giây phút thăng trầm. Đôi khi cây thì muốn lặng nhưng gió chẳng chịu ngừng thổi.
Chính vì thế giữ cho tâm được an trước những thay đổi, biến động thường xuyên của cuộc đời thật không phải dễ dàng chút nào.
Vậy muốn giữ cho tâm được an trong cuộc đời đầy bất an thì ta phải bình trước những biến động của cuộc đời. Bình nghĩa là không thay đổi lên xuống, không cuốn trôi theo những giao động. Có làm được vậy tâm tự khắc sẽ an.
Nhưng làm sao để tâm bình, để tâm không bị cuốn trôi theo những đổi thay thăng trầm của cuộc sống?
Muốn làm được thế ta phải làm nhà quan sát. Ta phải biết cách tách mình ra khỏi những giao động bên trong tâm thức lẫn bên ngoài tâm thức và quan sát những gì đang diễn ra bên trong, bên ngoài ấy với trạng thái Chánh niệm, tỉnh giác sung mãn.
Chỉ khi trở thành nhà quan sát ta mới giữ được tâm mình bình. Khi tâm bình thì an và lạc sẽ xuất hiện.
Giữ cho tâm ta được bình cũng chính là công phu thiền tập sâu sắc. Và trong nhà thiền cũng có nói đến điều tương tự “Tâm Bình Thường Là Đạo”.
Khi tâm ta bình thì không những ta có an, có lạc mà còn có được một thân thể khỏe mạnh. Bất cứ điều gì xảy ra cho tâm cũng ảnh hưởng đến thân.
Tâm bình thì khí huyết trong thân sẽ điều hoà. Khí huyết điều hoà thì thân không đau nhức, không tật bệnh sức khỏe mỗi ngày một cải thiện, cường tráng.
Hai chữ bình an thôi mà cho ta cả một pháp thiền thú vị.