Bổ Đà có tên thật là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ. Ngoài ra, chùa còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự. Đây là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc. Là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xã Tiên Lát, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, tỉnh Bắc Ninh xưa).
Khu nội tự (chùa chính Tứ Ân) của Chùa Bổ Đà. |
Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ với kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam: Vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú.
Cổng vào chùa với nền lát đá muối nhiều kích thước khác nhau |
Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, Khổng Tử…)
Lối lên các khu di tích |
Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: Chùa cổ Bổ Đà Sơn, chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra, trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương – có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).
Ban thờ của chùa |
Chùa xưa nhỏ bé toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), theo thời gian chùa được mở rộng Kiến trúc của chùa gồm gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: Gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường.
Cổng chùa với lối kiến trúc truyền thống |
Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2, được phân ra làm ba khu rõ rệt: Khu vườn: (31.000m2), khu nội tự chùa (13.000m2) và khu vườn tháp (rộng: 7.784m2). Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn, mang dáng dấp gác chuông.
Vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau. |
Một điều độc đáo nữa là các Phật tử đến thăm sẽ được chiêm bái ở vườn tháp chùa Bổ Đà, đó là trong vườn có tháp mộ sư tăng, sư ni (điều hiếm thấy ở các dòng phái khác). Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng, rất chặt chẽ của thiền môn. Với gần 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam.
Vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam |
Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kiến trúc chùa Bổ Đà có sự khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam – Đó là lối kiến trúc kiểu “nội thông ngoại bế”, không cốt ở sự nguy nga, tráng lệ mà quan tâm tới sự liên hoàn, thoáng đạt hướng tới sự thanh tịnh của cảnh giới nhà Phật.
Các cánh cổng trong chùa đều mang đậm kiến trúc truyền thống |
Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm mộc bản của các bộ kinh như Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy.
Phần nội dung trong kinh Tứ Diệu Đế có nêu rõ 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật gồm: Khổ đế, Nhân đế, Diệt đế và Đạo đế… Trên các mộc bản không chỉ có văn tự mà còn có nhiều hình ảnh chạm khắc rất tinh xảo như: Hình ảnh Đức Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, Các vị La Hán…
Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, các bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau.
Một số hình ảnh của chùa :