Điều đáng tiếc là có những người con người cháu bất hiếu, không mấy hiểu được khổ tâm của những bậc làm cha làm mẹ, thường không biết cày cấy hoặc là bỏ hoang ruộng đất, hoặc là đem cầm cố bán đi, quả là đáng tiếc!
Ngoài những mảnh ruộng bên ngoài cần phải cày cấy, trồng trọt ra thì tâm hồn bên trong của chúng ta cũng được ví như một mảnh đất, gọi là “mảnh ruộng tâm hồn”, nó cũng đang đợi chúng ta khai hoang.
Làm cách nào để cày cấy mảnh ruộng tâm hồn của chúng ta? Trong Phật giáo có một từ rất hay, đó là phát tâm. Đó cũng chính là cách để khai khẩn, gieo hạt trên mảnh ruộng tâm hồn của bản thân.
Trong cuộc sống hiện thực, có những người lao động siêng năng cần mẫn không biết ngừng nghỉ, thậm chí họ còn lấy đá lấp biển để có thêm đất để sử dụng; khai phá núi đồi hoang vu hẻo lánh để trồng hoa quả.
Đối với những mảnh ruộng thông thường, chúng ta có thể gieo hạt, trồng trọt, có thể xây dựng, có thể tích lũy. Còn đối với mảnh ruộng tâm hồn, chúng ta nên gieo trồng những gì, cày cấy như thế nào?
Phương pháp để chúng ta cày cấy mảnh ruộng tâm hồn là dùng các phép tư duy, quán chiếu, tự soi xét lại mình, tĩnh tâm, niệm Phật, hoặc cũng có thể thông qua những việc như ngồi thiền, tham cứu giáo lý, sám hối, phát nguyện, v.v… Mảnh ruộng bên ngoài thì dễ cày cấy, gieo trồng, còn việc vun xới mảnh ruộng tâm hồn thì hoàn toàn không dễ, chỉ khi đã phát tâm, lập nguyện thì chúng ta mới có thể bắt tay cày cấy mảnh ruộng trong tâm hồn được.
Một hôm, trên đường trì bát khất thực, Đức Phật gặp một vị Bà-la-môn đang cày ruộng. Vị Bà-la-môn nhìn thấy Đức Phật liền tiến lại gần để chất vấn: “Thưa Đức Phật, sao Ngài không tự mình trồng trọt, không tự mình lao động để đổi lấy những thứ cần thiết cho cuộc sống?”. Đức Phật đáp: “Ta từng giờ từng phút chưa lúc nào quên việc chăm chỉ cày cấy!”.
Vị Bà-la-môn không hiểu, nói tiếp: “Có khi nào tôi nhìn thấy Ngài cầm cày, cầm cuốc, hay xẻng để cày cấy đâu?”. Đức Phật từ bi nói: “Tất cả chúng sinh đều là ruộng đất của ta, lòng tin chính là hạt giống của ta, thiện pháp là nguồn nước cam lộ, trí tuệ là ánh sáng mặt trời, trì giới là hoạt động cày cuốc của ta, không ngừng tinh tấn chính là con trâu mà ta chọn, chính niệm là dây cương buộc trâu, chân lý là cán cày ta cầm, những phiền não thuộc ba nghiệp thân, khẩu, ý chính là những ngọn cỏ dại mà ta cần nhổ bỏ, sự an lạc vĩnh hằng không sinh không diệt chính là những thành quả mà ta gặt hái được”.
Có câu: “Ruộng tâm chẳng mọc cỏ vô minh, đất tính thường nở hoa trí tuệ”. Cũng có câu: “Muốn thu hoạch như thế nào, thì trước tiên hẳn phải gieo trồng như thế ấy”. Chúng ta muốn ruộng tâm mọc những cây từ bi trí tuệ hay là mọc những cây tà kiến si mê? Việc đó phải xem chúng ta cày cấy mảnh ruộng tâm hồn của bản thân như thế nào!
Chúng ta hy vọng mảnh ruộng tâm hồn sinh trưởng những hạt giống thông minh, linh hoạt, dĩnh ngộ, thông đạt thì ta chỉ cần gieo xuống đó những hạt giống trí tuệ, làm như vậy thì sao mà không thành công được chứ? Nếu như chúng ta muốn thu hoạch được những quả thiện duyên, cát tường, bình an, thuận lợi, thì cũng chỉ cần gieo xuống những hạt giống từ bi, tất sẽ đạt được như ý nguyện!
Những mảnh ruộng tâm hồn cần phải được khai phá thì mới có thể gieo trồng được hạt giống, mới có thể sinh trưởng được mầm cây, mới có thể thu hoạch được thành quả. Chúng ta phải dùng nguyện lực hướng thượng để khai phá mảnh ruộng tâm hồn, phải dùng nguyện lực xuất ly để cày cấy ruộng tâm, phải dùng nguyện lực Bồ-đề để gieo trồng trên đó.
Trong tâm hồn của mỗi chúng ta đều có kho cất chứa hạt giống từ bi, trí tuệ, niềm tin, sức mạnh và hổ thẹn. Để cày cấy mảnh ruộng tâm hồn, ta cần phải phát tâm từ bi đối đãi với mọi người, phát tâm tinh tiến tu hành, phát tâm thay đổi tính tình, phát tâm giảm bớt phiền não. Chỉ có những người sẵn lòng “cày cấy mảnh ruộng tâm hồn” mới có thể tìm lại tự tính, mới có thể hướng đến thành tựu quả Phật!