Chùa Thái Lạc (còn gọi là chùa Pháp Vân, Pháp Vân tự hay chùa Bà Cả), thuộc xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Chùa là nơi thờ Phật và thần Pháp Vân - một trong bốn vị thần Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) có nguồn gốc ở vùng Dâu (tỉnh Bắc Ninh).
Sân chùa Thái Lạc |
Chùa Thái Lạc còn giữ được bộ vì gỗ ở gian giữa tòa thượng điện, kiến trúc thời Trần, còn khá nguyên vẹn. Loại hình này ở nước ta rất hiếm , ngoài chùa Thái Lạc chỉ còn thấy ở chúa Dâu, chùa Bối Khê.
Cổng cũ trước khi trùng tu lại của chùa Thái Lạc. |
Bộ vì kiến trúc kiểu giá chuông, dựa trên kết cấu 4 hàng chân cột. Trên bộ vì được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí . Trên các cốn, các đố của bộ vì và trẹn các cột, đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn. Nếu nguyên vẹn, có khoảng 20 bức chạm nổi các đề tài khác nhau, hiện nay có 16 bức.
Cho đến nay, trên cả nước chỉ còn 3 công trình bằng gỗ từ thời nhà Trần, là chùa Dâu ở Bắc Ninh, chùa Bối Khê ở Hà Nội và chùa Thái Lạc. |
Trên ván có bưng chạm tiên nữ đầu người mình chim. Trên thân cột trụ chạm hình các ông phỗng giơ tay đỡ bệ sen phía trên. Trên ván nong trang trí các đề tài tiên nữ. Nơi tiên nữ đang cưỡi phượng, người thổi tiêu, người kéo nhị.
Hoa văn trang trí mái chùa. |
Nơi khác, tiên nữ đang thổi sáo, đánh đàn. Có cảnh tiên nữ đầu người mình chim đang giơ tay dâng hoa. Độc đáo hơn còn có cảnh chạm dàn nhạc ba người đang sử dụng những nhạc cụ dân tộc. Chùa Thái Lạc còn giữ được tượng Pháp Vân, ba bệ thờ và ba tấm bia đá ghi quá trình trùng tu tôn tạo chùa. Tất cả đều có niên đại thế kỷ 16 -17.
Trên thân cột trụ chạm hình tiên nữ. |
Chùa Thái Lạc được khởi dựng trên gò đất cao, mặt tiền quay theo hướng Đông Nam, có bình đồ kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” gồm các hạng mục công trình được bố trí hài hòa, đăng đối tạo thành một thể thống nhất, dàn trải theo trục Tây Bắc - Đông Nam bao gồm: Tam quan, sân chùa, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu cùng khu vườn tháp.
Tam quan: xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cổng chính giữa được làm vượt hẳn lên so với hai cổng phụ. Trung tâm đường bờ nóc cổng cái trang trí hình tháp chín tầng. Phần mái với các đầu đao tạo tác kiểu hồi long vân cuốn, mái không rộng nhưng đều được đắp ngói ống, đường bờ nóc hình cong mui thuyền. Các cột trụ xây vuông, đắp gờ, kẻ nổi để thể hiện đôi câu đối chữ Hán miêu tả cảnh đẹp và ca ngợi uy linh của Tứ Pháp.
Tam bảo: Có kiến trúc theo kiểu chữ Công (工) gồm: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.
Tiền đường: là công trình kiến trúc có quy mô lớn nhất. Bốn phía xung quanh nền tiền đường đều được bó vỉa bằng gạch chỉ, phía ngoài phủ vữa áo. Bờ nóc gắn hoa chanh, chính giữa đắp hình chữ nhật, đề ba chữ Hán “Pháp Vân tự”.
Chùa được xây dựng trên gò đất cao, dân gian vẫn thường gọi là lưng con rùa. |
Tiền đường gồm 09 gian, kiểu tường hồi bít đốc, lợp ngói Di truyền thống. Bộ khung kết cấu kiểu bốn hàng chân cột. Hệ thống các bộ vì nóc đều được tạo tác theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Vì nách kiểu “ván mê” (ở ba gian giữa) và kiểu “bán chồng rường” (những gian còn lại).
Tất cả các cấu kiện kiến trúc đều làm bằng gỗ lim, các mảng chạm khắc, trang trí tại Tiền đường chùa Thái Lạc chủ yếu mang phong cách và đặc trưng của mỹ thuật thời Nguyễn với nhiều đề tài trang trí khác nhau được thể hiện trên các cốn mê trên vì nách Tiền đường: đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), đề tài tùng lộc, đề tài hoa văn cây cỏ. Bên trong Tiền đường bài trí một số pho tượng như Đức Ông, Thánh hiền, Hộ pháp,... cùng các bức hoành phi, câu đối và đồ thờ tự có giá trị.
Góc mái chùa |
Tả vu |
Thiêu hương: còn được gọi là ống muống, nối liền Thượng điện và Tiền đường (dài 2,6m, rộng 4,2m), mặt nền thấp hơn Thượng điện, gồm 2 gian. Tường xây gạch chỉ, trát vôi vữa, mái lợp ngói mũi. Hệ thống đỡ hoành mái là các bộ vì được làm theo kiểu vì kèo đơn giản, để trơn không trang trí hoa văn. Bộ vì tiếp giáp với thượng điện được làm theo kiểu “cốn mê”, trang trí hình ảnh rồng và long mã, sản phẩm của nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX.
Thượng điện: gồm 01 gian 02 chái, nối vuông góc với tòa Thiêu hương, dài 10m x rộng 8.5m. Nền cao hơn nền hai tòa Thiêu hương và Tiền đường. Kết cấu kiểu 4 hàng chân cột, cột cái có đường kính 0,45m x cao 2,95m.