"Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề cũng đi du hóa ở thành Vương-xá, tại Ôn tuyền lâm.
Bấy giờ, đêm gần tàn, trời sắp sáng, Tôn giả Tam-di-đề từ phòng bước ra, đi đến Ôn tuyền, cởi y để trên bờ rồi xuống hồ Ôn tuyền tắm. Sau khi tắm xong, Tôn giả lên bờ lấy khăn lau mình và mặc y vào.
Bấy giờ có một vị thiên thần thân hình rất đẹp, sắc tướng uy nghi, nhắm lúc trời sắp rạng đông, đi đến Tôn giả Tam-di-đề, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Tam-di-đề rồi đứng qua một bên. Vị thiên thần đó với sắc tướng uy thần cực diệu làm sáng chói khắp cả bờ hồ Ôn tuyền.
Sau khi đứng qua một bên, thiên thần bạch với Tôn giả Tam-di-đề rằng:
- Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng?
Tôn giả Tam-di-đề trả lời vị thiên thần kia rằng:
- Tôi không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế.
Rồi Tôn giả hỏi lại thiên thần:
- Ngài có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng?
Thiên thần trả lời:
- Tôi cũng không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế.
Tôn giả Tam-di-đề lại hỏi vị thiên thần kia:
- Ai thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế?
Thiên thần đáp:
- Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương-xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp, có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này.
Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Tôn giả Tam-di-đề, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.
Sau khi thiên thần biến mất không lâu, Tôn giả Tam-di-đề đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch (lại câu chuyện)…
Đức Thế Tôn bảo:
- Này Tam-di-đề, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói cho ông nghe.
Đức Thế Tôn đọc bài tụng:
Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
Tương lai cũng chớ mong cầu.
Quá khứ đã qua, đã mất,
Tương lai chưa đến, còn xa.
Hiện tại những gì đang có
Thì nên quán sát suy tư.
Niệm niệm mong manh không chắc,
Người khôn biết vậy nên tu.
Nếu có làm theo hạnh Thánh,
Ai hay nỗi chết ưu sầu.
Nhất định tránh xa sự chết;
Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
Như vậy thực hành tinh tấn,
Ngày đêm không chút biếng lười.
Vì vậy phải thường tụng đọc
Bạt-địa-la-đế kệ này…".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Căn bổn phân biệt, kinh Ôn tuyền lâm thiên, số 165 [trích, lược])
Theo pháp thoại, Tôn giả Tam-di-đề (Samiddhi) được một vị thiên mách bảo về xin Đức Phật bài kệ Bạt-địa-la-đế để hành trì. “Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp, có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn”.
Bạt-địa-la-đế (Bhaddekaratta) nguyên nghĩa là “dính mắc may mắn”. Việt dịch là “nhất dạ hiền giả”, kẻ ẩn sĩ độc cư thiền tuệ, an tịnh, trầm lặng và hạnh phúc với hiện quán đang là. Thiển nghĩ, thể nhập vào tánh giác, sống với thực tại hiện tiền là “dính mắc may mắn”, hạnh phúc của người đi tìm chân lý.
Quá khứ thì đã qua, bóng hình hư ảo không bám víu. Tương lai thì chưa đến nên chẳng mơ tưởng viển vông. Hiện tại thì đang trôi chảy, còn chăng hiện quán đang là. Như ngồi trên bờ nhìn ngắm dòng sông, nhìn sâu vỡ òa dòng sông trống rỗng, không là gì cả ngoài những hạt nước tiếp nối nhau.
Minh sát chính là đây, hiện quán đang là với thực tại hiện tiền. Chánh niệm sâu sắc, tỉnh thức cao độ, thấy biết rõ ràng, bản thân và vạn vật phơi bày sự thật vô thường, khổ, vô ngã. Giữ được hiện quán thường trực, không bám víu bất cứ thứ gì thì “nhất định tránh xa sự chết”, thành tựu giải thoát, Niết-bàn.