Giống như các chùa Khmer khác, chùa Xà Tón tuân theo một quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất. Chính điện chùa Xà Tón nằm ở trung tâm khu đất theo hướng Đông Tây, với nóc nhọn, hai mái cong gộp lại. Trên nóc tháp chùa chính có cấu trúc thần rắn Naga nằm dài, tượng trưng cho sự dũng mãnh và bất diệt.
Hình tượng thần rắn Naga |
Mái chính điện được lợp ngói với cấu trúc tam cấp, lợp ngói đỏ, xanh, vàng. Chung quanh ngôi chính điện là các tháp nhỏ, đẹp đẽ dùng để lưu giữ hài cốt của các sư ở chùa sau khi đã hỏa táng. Trên các đỉnh tháp này được chạm hình thần Bayon bốn mặt, tức thần sáng tạo. Bên trong chính điện rộng, có bốn hàng cột bằng gỗ căm xe, mỗi hàng bảy cây, nền chùa được lát gạch bông, tường gạch, vôi, ô dước.
Mái chính điện được lợp ngói với cấu trúc tam cấp |
Trên khắp các vách tường, phía trên, có vẽ nhiều tranh truyện cổ tích của Phật và các đệ tử. Ở một bên vách của nơi chính điện, có một tượng Phật lớn bằng xi măng ngồi trên bệ cao và nhiều tượng nhỏ bằng bạc, bằng gỗ khá đặc sắc ở phía trước.
Tượng Phật Thích Ca |
Bên ngoài chùa Xà Tón, phía trước có hồ lớn trồng hoa sen, hoa súng. Đặc biệt ở phía bên trái ngoài những hàng dừa trĩu quả, còn có một tượng Phật lớn đang ngồi thiền định dưới bóng cây lâm vồ có tuổi trên 100 năm, gốc khoảng mười người ôm, thân cao, cành lá xum xuê.
Hồ lớn trồng hoa sen, hoa súng |
Theo truyền thống, chính điện của chùa là nơi hành lễ, thuyết pháp, còn nơi học, nơi ở của các vị sư là những dãy nhà khác, có phần nhỏ hơn nhưng cũng có hai mái cong gập lại, có nóc nhọn và hình tượng thần rắn Naga.
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và An Giang, chùa Xà Tón cũng như nhiều chùa khác của đồng bào Khmer, chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là trung tâm văn hóa, nơi gìn giữ những phong tục, tập quán, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền; nơi thanh niên và bà con dân tộc Khmer đến tu học để trở thành người có tri thức, đức hạnh và chăm chỉ lao động.
Biểu tượng văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ |
Ngoài giá trị trên, chùa Xà Tón với cấu trúc tinh tế, đặc sắc còn là một danh lam nổi tiếng của tỉnh và là nơi lưu giữ trên 100 bộ kinh ghi trên lá cây buông (người khmer gọi là bộ sách SaTra). Ngày 12/12/1986, chùa được Bộ Văn hóa ra quyết định số 235/VH-QĐ công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Kinh lá buông và bút đéc-cha |
Chính vì vậy, chùa Xà Tón cũng như nhiều chùa Khmer khác có vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, văn hóa - nghệ thuật, xã hội trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đây là tài sản quý giá không chỉ đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Chùa Xà Tón là ngôi chùa lưu giữ nhiều sách kinh lá nhất Việt Nam |
Quanh ngôi chính điện có khá nhiều những ngôi tháp nhỏ |
Các dãy nhà tăng |
Chính điện chùa Xà Tón |