Mùa an cư kiết hạ năm nay, hầu hết các tự viện đều tổ chức an cư tại chỗ, dừng việc đón khách thập phương, tránh tiếp xúc với bên ngoài nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Cũng vì đó, người Phật tử tại gia không thể đến chùa để tụng kinh, bái sám thân cận chư Tăng nhằm nuôi lớn căn lành trong 3 tháng hạ theo truyền thống vốn có xưa nay. Tuy nhiên, với hàng tại gia, đại dịch phần nào lại là cơ hội để họ tự thân quay về tự chăm sóc cho thân và tâm mình.
Bình an ở nhà
Không thể đến chùa, nhiều Phật tử đã sắp xếp không gian, thời gian cho việc tu học ngay tại chính nhà mình. Với gia đình Phật tử Thanh Đàn (phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức), từ những ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhờ có ngôi Tam bảo thiết trí ngay trong nhà, gia đình chị vẫn ngày ngày cùng nhau đều đặn lễ Phật, niệm Phật. “Chúng con cảm thấy Đức Phật luôn hiện hữu bên mình, với tình thương lớn xoa dịu những nỗi đau của chúng sanh”, chị Thanh Đàn chia sẻ.
Với gia đình Thanh Cảnh (phường Tam Phú, TP.Thủ Đức), từ khi thiết trí không gian thờ Phật tại nhà, gia đình anh đã cùng với các thành viên trong gia đình có nơi công phu tụng kinh tu tập sau những ngày làm việc vất vả. Đặc biệt, trong mùa dịch này, không được đến chùa thường xuyên, mỗi ngày gia đình đều tụng kinh, niệm Phật, cảm nhận được năng lượng bình an, thanh tịnh trong tâm hồn mình.
Hay như bạn Tường Hạnh, một Phật tử trẻ đã chia sẻ rằng trong những ngày phải ở yên trong nhà, dù không thể đi lại thoải mái nhưng bạn vẫn cảm giác lúc nào cũng có Đức Phật bên cạnh, được sự bảo vệ, che chở và gia hộ của Tam bảo trong khoảng thời gian đầy bất an và biến động như thế này. “Những ngày dịch bệnh, có thời gian là tôi lại nghe pháp, đọc kinh, cảm nhận được sự mầu nhiệm an lành của Phật pháp, cả nhà phát tâm cùng nhau tu tập ngày càng tinh tấn hơn”, Tường Hạnh cho biết.
Có Phật và thấy Phật
Nhằm hướng dẫn Phật tử tại gia tu tập, những năm gần đây, bên cạnh việc giúp tín đồ Phật tử kính tin Tam bảo, giữ gìn mối đạo thông qua các khóa tu, các chương trình tu học, pháp thoại,… một số tự viện còn tổ chức hỗ trợ cho Phật tử thiết trí không gian tu tập, phụng thờ Tam bảo tại gia.
Hòa thượng Thích Hoằng Tri, trụ trì chùa Vạn Đức, TP.Thủ Đức - một trong những tự viện tiên phong trợ duyên cho Phật tử tu tập tại gia với việc trao tặng bàn thờ Tam bảo, cho biết: “Là Phật tử, chúng ta nên thường xuyên đến chùa tu tập, nghiên cứu học hỏi giáo lý của Đức Phật, nương theo sự chỉ dạy của quý thầy để hướng đến đời sống an vui. Tuy nhiên, bên cạnh việc quy tụ về chùa trong những dịp lễ, ngày trai, người Phật tử nên thiết trí một ngôi Tam bảo tại nhà để có nơi kính ngưỡng, tu tập.
Riêng đối với các gia đình Phật tử không đủ điều kiện, những năm gần đây, chùa Vạn Đức đã tổ chức trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ chi phí để họ có một nơi thờ Phật trang nghiêm nhưng vẫn phù hợp với không gian sinh hoạt tại nhà. Một ngôi Tam bảo tại tư gia sẽ giúp cho các thành viên trong gia đình có sự phát tâm tinh tấn tu tập, công phu thời khóa, lễ Phật mỗi ngày, đồng thời tạo duyên lành cho con cái quy hướng và duy trì nếp đạo truyền thống của những gia đình Phật tử”.
Từ việc được trợ duyên thiết trí bàn thờ Phật tại gia, mỗi ngày có nơi cùng nhau tu tập, mặc dù không thể đến chùa tu học, niềm tin với Phật pháp của vợ chồng anh Thiện Châu và chị Bảo Quang (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cũng không vì vậy suy giảm đi mà ngược lại còn thêm phần lớn mạnh. “Chúng con cảm nhận được sự an lành khi có sự hiện diện ngôi Tam bảo tại tư gia chúng con. Hàng ngày, chúng con được tu tập, tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, quán chiếu thân tâm để chuyển hóa nội tâm của mình, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống để được an lạc trong hiện tại”, chị Bảo Quang cho biết.
Với đặc thù của một hộ kinh doanh cá thể, chị Hoa Thiện (phường Thạnh Xuân, quận 12) đã bộc bạch rằng nhờ có một nơi thờ Phật trong nhà, chị thấy gia đình ấm áp, bình yên hơn hẳn. Chồng con và những nhân viên bán hàng của chị cũng từ đó biết đến Phật pháp và phát tâm tu học. Chị Hoa Thiện luôn thấy rất hoan hỷ mỗi khi được ngưỡng vọng hình tượng Đức Phật bên ngoài nhờ đó mà chị và mỗi người thân cũng phần nào đánh thức được hạt giống Phật bên trong mình. |
Trong hoàn cảnh đặc biệt khi cả cộng đồng chung tay trong công tác phòng, chống dịch bệnh, người Phật tử tại gia bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, rèn luyện sức khỏe và trân quý thời gian quý báu mà mình hiện có, thì những ngày giãn cách có thể coi là cơ hội trau rèn phát triển bản thân bằng việc đọc tụng kinh sách, nghe pháp thoại online... để chế tác và truyền tải năng lượng bình an, góp thêm nguồn sức mạnh cầu nguyện cho dịch bệnh sớm qua mau. Cuộc sống của mỗi người, nếu biết thực tập lời Phật dạy ít muốn biết đủ, chấp nhận và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thì mọi thứ sẽ trở nên bình yên dù ở bất cứ đâu đi nữa.
Theo Giác Ngộ