“Một nguyên nhân nữa của đấu tranh và xung đột là sự so sánh giữa mình và người, xem các người khác là bằng mình, hay hơn mình hay thua mình”.
Một phương pháp làm lắng dịu các tranh luận là sự ý thức, chính tại đây, “trong tranh luận này, chúng ta đều tàn hại”.
Có một trường hợp này thật là bẽ bàng, như đức Phật đã nêu rõ, là một người đến phỉ báng người không có phỉ báng, nhiếc mắng người không có nhiếc mắng, gây sự với người không có gây sự. Tất cả sự phỉ báng, nhiếc mắng ấy tự nhiên trở lui lại cho người đã nhiếc mắng. Cũng như đồ ăn được đưa mời mà người được mời không chấp nhận, thời món ăn sẽ trở lại với người chủ của nó.
Thái độ đức Phật đối với tranh luận rất rõ ràng. Ngài không có tranh luận với ai ở đời. Ngài thuyết pháp chỉ với mục đích nêu lên con đường chấm dứt khổ đau.
Ngài không bao giờ tự cho chỉ có Pháp của Ngài là sự thật, ngoài ra đều là hư vọng.
Ngài giải thích Pháp của Ngài rõ ràng cho mọi người đến để xem để thấy và để tự mình phê phán.
Phương pháp hay nhất để tránh xa các tranh luận và xung đột, đức Phật khuyên chúng ta, là đừng có khởi lên các hý luận, vọng tưởng, các tà kiến. Và trong trường hợp chúng có khởi lên, thời thái độ tốt nhất là chớ hoan hỷ, đón mừng và chấp thủ chúng. Thái độ này sẽ chấm dứt đấu tranh, xung đột, chiến tranh và các pháp bất thiện.
Chiến tranh nào cũng đem đến đau khổ vô lượng vô biên. Chiến thắng sanh thù oán, bại trận nếm khổ đau. Cho nên phương pháp hay nhất là đừng dùng chiến tranh để giải quyết các xung đột, nhưng phải tìm mọi phương tiện hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và các xung đột.
Do vậy các bậc Thánh đã từ bỏ gia đình, sẽ không tạo nên các trói buộc mới.
Các vị này chấm dứt mọi tranh luận, bất cứ với một ai.
* * *
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lỵ tranh đoạt với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ; mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ; cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha; anh em tranh đoạt với anh em; anh tranh đoạt với chị; chị tranh đoạt với anh; bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi chúng dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, chúng tấn công nhau bằng tay, chúng tấn công nhau bằng gạch đá, chúng tấn công nhau bằng gậy gộc, chúng tấn công nhau bằng đao kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong”. (Trung Bộ I. 87)
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, chúng cầm mâu và thuẫn, chúng đeo cung và tên, chúng dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Chúng bắn, đâm nhau bằng tên, chúng quăng, đâm nhau bằng đao, chúng chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong”. (Trung Bộ I. 87A)
“Bằng, thắng hay thua Ta,
Nghĩ vậy đấu tranh khởi,
Cả ba không dao động,
Bằng, thắng không khởi lên”. (Tương Ưng I. 15)
10
“Người khác không hiểu biết,
Chúng ta đây (Trong tranh luận này) suy vong.
Ai hiểu biết chỗ ấy,
Tranh luận được lắng êm”. (Pháp Cú. 6)
“Phẫn nộ, không hoan hỷ, Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói những lời không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.
Được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja: -“Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông không?” – “Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm tôi” – “Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm không?” –
“Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm”. – “Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?” – “Thưa Tôn giả Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi”.
“Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng, nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng, xỉ vả chúng tôi là người không xỉ vả, chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, xỉ vả lại khi bị xỉ vả, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông.
Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, tất cả sự việc ấy về lại với Ông và tất cả sự việc ấy chỉ về lại Ông mà thôi”. (Tương Ưng I. 199)
“Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận với ai ở đời”. (Trung Bộ I. 109A)
11
“Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, nếu ở đây không có gì đáng hoan hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu ái tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở nơi đây, những ác bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn”. (Trung Bộ I. 110)
“Thắng trận sanh thù oán,
Bại trận nếm khổ đau,
Ai bỏ thắng, bỏ bại,
Tịch tịnh hưởng an lạc”. (Tương Ưng I. 102)
“Bậc Thánh bỏ gia đình,
Du hành không trú xứ;
Đối với dân trong làng,
Không tác thành hệ lụy.
Tuyệt không các dục vọng,
Không ước vọng hão huyền,
Chấm dứt mọi tranh luận,
Bất cứ với một ai”. (Tương Ưng III. 14)