"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có bảy pháp oán gia để gây thành oán gia; tức là khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế. Những gì là bảy ?
Lại nữa, oán gia thì không muốn để oán gia khi thân hoại mạng chung được đến chỗ an lành, sanh ở cõi trời. Vì sao oán gia không muốn oán gia đến chỗ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thân khẩu ý tạo ác nghiệp. Người ấy sau khi thân, khẩu, ý tạo ác nghiệp, thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ bảy để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Oán gia, số 129 [trích])
Lời bàn:
Người có tâm oán thù mong muốn kẻ thù địch của mình sau khi chết bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ thì oán đối thật nặng nề. Dân gian còn tha thứ nhau khi kẻ thù đã nằm xuống, pháp luật vốn nghiêm minh vẫn không truy cứu khi đương sự chết đi. Ấy vậy mà có người còn không buông tha, có chết cũng phải đọa vào cõi ác mới hả dạ, yên lòng. Trường hợp này, tâm oán thù xem như hết thuốc chữa.
Kinh tạng Pali tương đương với đoạn kinh này như sau: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: Mong rằng kẻ này sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục! Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch không hoan hỷ kẻ thù địch của mình sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này! Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, người đó làm ác hạnh với thân, người đó nói lời ác hạnh với lời, người đó nghĩ đến điều ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, người đó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ðây là pháp thứ bảy, được người thù ưa thích, tác thành kẻ thù địch đi đến người phẫn nộ, đàn bà hoặc đàn ông".
Theo tuệ giác của Thế Tôn, những người mang tâm oán đối nặng nề, nguyện truy cùng giết tận đối thủ, kẻ thù có chết đi cũng không được nhẹ nhàng thì đó là người ác. Chính ác tâm sân hận sâu dày đó sẽ khiến cho người này tạo ác nghiệp nặng nề. Và quả báo xấu sẽ ứng hiện tức thời cho chính người mang ác tâm ấy.
Thế nên, nếu không tha thứ được cho nhau lúc cả hai còn sống thì khi kẻ thù mất đi phải buông bỏ niềm đau, khép lại hận thù. Kiếp này không hỷ xả, bao dung được với nhau thì kiếp sau xin đừng oán kết.
Sống ở đời chỉ là cõi tạm, vì oán kết sân hận mà trói buộc làm khổ nhau đời này và cả đời sau. Những ai mong cho người khổ chính là tự làm khổ bản thân và quyến thuộc của mình. Thế nên, muốn sống vui thì hãy tập buông xả mọi thứ vào cuối ngày, cuối tháng, cuối năm và cuối đời, để mỗi trang mới đời sẽ xanh tươi.