Tất cả sự vật trên cuộc đời đều biến động, vô thường hay thay đổi. Đây là ngọn lửa vô thường sẽ dần thiêu đốt tất cả. Con người cố gắng tạo ra mọi thứ, nhưng rồi ngọn lửa vô thường của thời gian sẽ làm tất cả đều trở thành con số không.
Qua đó, chúng ta phải hiểu, phải ý thức rằng chúng ta phải đi tìm điều gì đó trường cửu hơn là những thứ giá trị tạm bợ này.
Tuy rằng trong cuộc sống, chúng ta không thể phủ nhận tất cả vì còn nhu cầu để sống, để có cái ăn cái mặc, cái nhà để ở, những nhu cầu tối thiểu, không thể thiếu. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta hãy nhớ rằng tất cả đều vô thường tạm bợ. Chúng ta không nên xem điều đó là quý giá, là cứu cánh, mà chúng ta phải hướng đến mục tiêu cao thượng hơn, bền vững hơn, trường cửu hơn.
Trong kiếp người chỉ bảy tám mươi năm, với một người không hiểu nhân quả luân hồi sẽ cho rằng con người nên hưởng thụ đầy đủ vật chất của kiếp người này rồi chết, rồi hết.
Nhưng với con người có trí tuệ, hiểu đạo sẽ thấy rằng bảy tám mươi năm này không hề là một điểm cuối cùng, chưa phải là sự chấm hết, mà vòng luân hồi sẽ khiến họ còn tái sanh mãi mãi. Cho nên, cái giá trị bền vững là những gì con người mang theo từ kiếp này sang kiếp khác. Đó mới chính là sự bền vững, là tâm nguyện tu tập, là công đức mà chúng ta đang gieo ở hiện tại, chứ không phải tiền bạc của cải đang có.
Ví dụ như một người giàu có, và rất may mắn không bị bệnh tật, không bị cháy nhà, không bị con cái phá của, thì họ sẽ giữ được tài sản của cải cho đến chết, nhưng họ không thể mang theo tài sản đó qua kiếp sau. Nếu họ giàu có và biết đem tài sản để làm việc phước thiện, giúp người khác tăng trưởng pháp thiện, thì họ sẽ đem được công đức đó qua kiếp sau.
Vì vậy, nếu trong cái vô thường này mà chúng ta biết tìm ra một cái bền vững của nhân quả, là công đức lành, là công phu tu hành, là lòng từ bi, là chí nguyện giải thoát, thì chúng ta không sợ bị ngọn lửa vô thường phá tan.