Về mặt đời sống, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất yết-ma cho biết, an cư có mười điều lợi ích.
Thứ nhất là lợi ích về y áo. Chúng ta vẫn thường nghe nói đời người xuất gia chỉ có ba y và một bát. Vì chỉ có ba y và phải mặc thường xuyên nên y áo nhanh chóng cũ rách. Vào thời Đức Phật còn tại thế, để có được y mới không phải là điều dễ dàng. Luật lại quy định nghiêm ngặt về thời hạn tìm đủ số lượng vải đủ để may y trong vòng 30 ngày khiến cho việc may một tấm y mới thay cho y cũ rách càng khó hơn.
Do đó, đối với Tỳ-kheo có an cư kiết hạ, Đức Phật cho phép sau khi an cư xong được thọ y ca-thi-na. Thọ y ca-thi-na có năm điều lợi ích, trong đó, về y áo, ngoài ba y, Tỳ-kheo được phép cất y dư quá 10 ngày mà không cần làm phép tịnh thí và được phép không cần mang theo đủ cả ba y khi đi bất cứ nơi đâu mà không phạm giới lìa y ngủ cách đêm.
Do có được lợi ích này, nên các Tỳ-kheo sau khi an cư có đủ thời gian để may y mới thay cho y đã cũ rách, cũng như có thêm thời gian để chắp vá y cũ. Những người không an cư, hoặc an cư mà bị phá hạ, không hoàn thành khóa an cư kiết hạ thì không hưởng được điều lợi ích này.
Thứ hai là lợi ích về ẩm thực. Tỳ-kheo chỉ ăn ngày một bữa và phải ăn trước giờ Ngọ, đồng thời chỉ ngồi ăn một lần duy nhất, nếu ăn chưa xong mà lỡ đứng lên thì không được phép ngồi ăn trở lại. Nhưng sau khi an cư, trong thời gian thọ y ca-thi-na, Tỳ-kheo được phép thọ thực nhiều lần tại nhiều nhà đàn-việt khác nhau, miễn là không quá giờ Ngọ. Họ cũng được phép thọ thực thành từng nhóm bốn người trở lên. Họ cũng được phép tách riêng đại chúng đi vào thôn xóm mà không cần báo cho các Tỳ-kheo biết. Đây là những lợi ích về ẩm thực mà nếu không an cư thì không thể có được.
Thứ ba là lợi ích khi ở chung trong một cương giới. Cương giới là phạm vi giới hạn khu vực hay môi trường mà cộng đồng Tăng lữ đã nhất trí với nhau để sống chung hòa hợp. Ngay trong một cương giới có phạm vi rõ ràng như vậy, hễ có thu nhận được phẩm vật gì của thập phương tín thí dâng cúng đều phải căn cứ vào các vị đã sống lâu ở trong cương giới ấy để cùng nhau phân chia. Điều này được gọi là giới sở đắc lợi.
Thứ tư là phân chia lợi ích theo quy ước. Nghĩa là, “Các Tỳ-kheo cùng sống tùy theo một nhóm hay không tùy theo một nhóm, cùng nhau lập quy ước: Sau này chúng ta an cư ở trú xứ, làng xóm, phố phường, đường phố nào đó, thì nhà này thuộc về tôi, nhà kia thuộc về thầy. Khi được vật lợi dưỡng thì y cứ vào quy ước trên để thu nhận. Nói đầy đủ như trong Đại luật”.
Ngài Nghĩa Tịnh (635-713) giải thích rằng, “Tùy theo một nhóm là chỉ cho trường hợp tùy thuận bè đảng Đề-bà-đạt-đa. Không tùy theo một nhóm chỉ cho đệ tử Phật. Và ở đây do tùy trú xứ nào thì phân chia vật dụng trong trú xứ đó, chứ không phải hai nơi rồi phân chia thành hai chúng. Hiện nay trú xứ phương Tây vẫn còn chủng tộc [nhóm] Thiên Thọ xuất gia, nghi thức, học tập Tam tạng đa phần đồng với giáo lý Phật, cho đến [quan niệm] năm đường luân hồi, sinh thiên, giải thoát đều rất giống nhau. Họ không ở trong tinh xá chùa lớn, sống nơi gò đống ở thôn làng, khất thực tự sống; phần nhiều tu tịnh hạnh, dùng hồ lô làm bát, y phục chỉ hai tấm khăn, màu vải nhàu cũ, không ăn bơ sữa. Họ ở chùa Na-lan-đà rất đông, thấy họ nghe đủ loại kinh điển”.
Thứ năm là hưởng được lợi ích nhờ sự bảo hộ của cư sĩ. Những nam cư sĩ, nữ cư sĩ… phát tâm bảo hộ cho một hay một nhóm Tỳ-kheo an cư trong phạm vi trú xứ của cư sĩ đó. Họ chu cấp toàn bộ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho các Tỳ-kheo đủ điều kiện an cư trong ba tháng.
Thứ sáu là trong mùa an cư, tất cả mọi sự cúng dường của thập phương Phật tử đều được phân chia hết cho hành giả an cư. Nói cách khác, hành giả an cư được thừa hưởng mọi vật dụng mà Phật tử cúng dường cho trường hạ.
Thứ bảy, trong mùa an cư, có những phẩm vật được Phật tử mang đến quyết định cúng cho Tăng-già (gọi là Tăng-già sở đắc lợi), nhưng trong ấy, không phân biệt cụ thể là phẩm vật này dâng cúng cho tất cả hành giả an cư mùa hạ hay chỉ cúng dường cho hiện tiền Tăng. Những trường hợp như vậy phải nên hỏi lại thí chủ.
Thứ tám là Tỳ-kheo sở đắc lợi, tức là phẩm vật đã được quyết định và phân chia cụ thể. Tất cả mọi hành giả an cư ở trong phòng, trong viện… đều được thọ nhận phẩm vật cúng dường.
Thứ chín là đối diện sở đắc lợi, tức là những phẩm vật do Phật tử phát tâm cúng dường trực tiếp cho hành giả an cư trong lúc đang có mặt. Ví dụ khi hành giả an cư đang cúng quá đường, Phật tử vào thăm trường hạ và phát tâm cúng dường hiện tiền Tăng, bấy giờ, chỉ những hành giả an cư đang có mặt trong trai đường mới hưởng được lợi ích này.
Thứ mười là định xứ sở đắc lợi. Định xứ là nơi Đức Phật đản sinh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết-bàn. Nếu an cư tại những chỗ này thì đương nhiên hưởng được những lợi ích mà thập phương tín thí cúng dường cho những nơi ấy. Ngoài ra, bốn trú xứ được gọi là bất định xứ là tinh xá Trúc Lâm, tinh xá Kỳ Viên, giảng đường Trùng Các ở thành Tỳ-xá-ly và tụ lạc Bình Lâm, nơi Đức Phật từ cõi trời bước xuống nhân gian. Nếu an cư tại bốn nơi này cũng được thừa hưởng những lợi ích phẩm vật mà khách hành hương dâng cúng.
Trên đây là mười điều lợi ích mà những hành giả an cư kiết hạ nhận được, và đều là lợi ích vật chất. Do đó, bổn phận của Tăng là sau khi an cư kiết hạ phải phân chia các phẩm vật mà Phật tử cúng dường suốt trong mùa an cư, phân chia một cách bình đẳng cho cả những Sa-di tập sự an cư và các Tỳ-kheo hậu an cư. Riêng các Tỳ-kheo phá hạ không đúng như pháp thì không nhận được những lợi ích này.
Tuy nhiên, lợi ích lớn lao nhất mà hành giả an cư nhận được chính là lợi ích tinh thần. Đó là cùng sống chung an lạc, hòa hợp trong lý tưởng thánh thiện cao cả hướng đến mục đích đoạn tận phiền não, chứng đắc Niết-bàn; các Tỳ-kheo được kết nối với nhau bằng giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa để trở thành một tập thể thống nhất, thanh tịnh, tạo nên sức mạnh của Tăng-già. Chính sức mạnh này biểu hiện sức sống cụ thể và hưng thịnh của Chánh pháp. Đạo tràng an cư kiết hạ như vậy trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc và tạo niềm tin chân chính cho những người Phật tử tại gia vốn sống giữa cuộc đời đầy dẫy những lo toan muộn phiền, bị trói buộc bởi những hận thù, tranh chấp.
Cho nên, an cư kiết hạ mùa mưa không phải chỉ có ý nghĩa đơn giản là giới hạn đi lại để tránh giẫm đạp côn trùng, tránh gây thương tổn các loài sinh vật nhỏ bé cũng như mầm non cây cỏ, mà còn có ý nghĩa sâu xa là duy trì sinh mạng của Chánh pháp bằng chính đời sống hòa hợp, thanh tịnh của những người xuất gia sống chung với nhau trong cùng một trú xứ, với những lợi ích được tôn trọng và phân chia bình đẳng.