Đến khi nào sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần mà thấy như không thấy, nghe như không nghe thì tâm thanh tịnh rồi. Đối với tất cả các pháp thì rất rõ ràng, minh bạch. Tuy đã rõ rồi nhưng trong tâm không chấp trước.
Nói dễ hiểu hơn chút là tuyệt đối không để trong tâm mấy chuyện này, trong tâm cái gì cũng đều không có. “Vốn không có một vật” mà Lục Tổ nói là tâm không có gì cả. Đến lúc đó liền được tâm thanh tịnh, vãng sanh mới nắm chắc được.
Lục Tổ nói rất hay: “Vốn không có một vật, nơi nào dính bụi trần” chính là vô tướng. “Vô tướng” không phải là nói không có hiện tượng bên ngoài mà là trong tâm không chấp trước mọi hình tướng. Vì thế vô tướng không phải là không có cái tướng bên ngoài mà là không có tất cả vọng tưởng, chấp trước ở trong tâm.
Học Phật chỉ cần bản thân mình trì giới, người khác có trì giới hay không đều không quan tâm, đều xem người khác là người thanh tịnh nhất. Tâm chúng ta thanh tịnh mới có thể có định được, đây là điều mà Quý vị đồng tu phải biết. Cho nên giới luật của Phật, bất luận là giới Tiểu thừa hay giới Bồ tát đều là để cảnh tỉnh bản thân, tuyệt đối không phải để cảnh tỉnh người khác. Giới tiểu thừa chỉ làm lợi cho bản thân; giới Đại thừa thì làm lợi cho đại chúng, tức là khi sống chung với mọi người thì ta phải nên tuân thủ những gì chứ không phải là yêu cầu người khác [phải tuân thủ những gì.
Đây là giới luật nhà Phật, không giống như quy định của pháp luật thế gian. Pháp luật thế gian còn có kẻ hở còn Phật pháp thì không có kẻ hở.Phật pháp là luôn kiểm điểm bản thân thì mới được tâm thanh tịnh, mới được thiền định thật sự. Chỉ hỏi bản thân có kính người khác hay không, còn người khác có kính mình hay không thì không để trong tâm, vậy thì tâm định rồi, tâm được thanh tịnh rồi.
Trong tâm không chấp trước thì không có phiền não, không có âu lo, không có bận tâm. Trong tâm cái gì cũng không có vậy thì nó ra làm sao? Trong tâm tràn đầy ánh sáng trí tuệ, so với chư Phật, Bồ tát không xa, đấy mới là tương ứng.