"Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.
…
Bấy giờ, Thế Tôn nói với những người Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly rằng:
- Ở đời có năm thứ báu rất khó có được. Những gì là năm? Một là Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời rất khó có được. Hai là người có thể giảng thuyết Chánh pháp của Như Lai rất khó có được. Ba là người có thể tín giải pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được. Bốn là người có thể thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được. Năm là hiểm nguy được cưu ách mà biết đáp trả, hạng người ấy cũng rất khó có được. Ấy là năm thứ báu rất khó có được.
Năm trăm người Lệ-xa sau khi nghe Phật khai thị, giáo huấn khiến cho lợi ích, hoan hỷ”.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành, số 2 [trích])
Những thứ quý giá ở đời thì rất nhiều. Thông thường đó là tài sản vàng bạc châu báu nhà cửa đất đai, cao cả hơn là ông bà cha mẹ và những người thân yêu ruột thịt. Đôi lúc, thứ quý giá nhất là những gì chúng ta đang cần trong hiện tại, đơn giản như đói được ăn, khát được uống, giá rét có chỗ ấm êm, bị nạn liền được cứu thoát.
Theo Thế Tôn, có những thứ tuy quý giá nhưng dễ tìm, dễ được và có những thứ không khó tìm nhưng rất khó được. Khó được vì hiện hữu trước mắt mà không có tuệ giác để trân quý, chưa hội đủ nhân duyên để nhận ra đó là những báu vật ở đời.
Đức Phật xuất hiện ở đời là sự kiện hiếm có, vì hiếm nên quý báu. Chúng ta ra đời được gặp Phật lại càng khó hơn. Ngày nay, chúng ta cách thời đại Đức Phật lâu xa nhưng Thánh tích và hình bóng của Ngài vẫn còn. Những ai có đủ căn lành gieo trồng lòng tin trong sạch vào Tam bảo thì thật quý hóa.
Tuy Đức Phật đã Niết-bàn nhưng xá-lợi của Ngài, tức Chánh pháp vẫn còn. Những ai lưu truyền lời dạy của Ngài lại càng quý hóa hơn. Thuyết giảng ở đây có nghĩa rộng là đưa Chánh pháp đến với mọi người bằng các phương tiện hiện có. Pháp Phật giúp người biết sống thức tỉnh và yêu thương. Nhiều người, nhiều thế hệ đã chung tay làm việc công đức cao quý này nên pháp âm từ ngàn xưa vẫn đang đồng vọng.
Ảnh minh họa. |
Quý hơn nữa là ngoài việc tin sâu còn giảng giải Chánh pháp giúp cho người phát khởi niềm tin vào Phật pháp. Đây là việc tự lợi và lợi tha song hành nên thực sự quý báu. Gặp được Chánh pháp và tự mình tin hiểu là điều khó nhưng giúp người khác tin hiểu, sống theo lời Phật dạy càng khó hơn. Ngay đây, người hậu thế học Phật nhận ra rằng: Tuy Phật sự rất đa dạng, tùy duyên và tùy hạnh của mỗi người nhưng mục tiêu cốt lõi vẫn là hoằng pháp và độ sinh. Làm được như thế không phải dễ dàng nên Thế Tôn ca ngợi người ấy là một trong năm thứ báu ở đời.
Không chỉ tin hiểu mà còn sống cùng và sống với, thực hành lời Phật dạy để trở thành Chân nhân, bậc Hiền Thánh ở đời. Ai “thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết” sẽ sống đời thảnh thơi, an lạc, có ích cho xã hội. Theo Đức Phật, hiểu biết Chánh pháp là để thực hành, có thực hành đúng và đủ mới hạnh phúc an vui. Nếu chưa thành tựu Thánh quả, ít ra chúng ta cũng nguyện làm người tử tế, đạo đức, là bậc Chân nhân, Hiền nhân trong đời.
Lúc nguy khốn ta được cứu giúp rồi luôn nhớ ơn và tìm cách báo đáp. Đúng ra đây là lẽ thường tình nhưng vì con người thường vô ơn bạc nghĩa nên ai biết nhớ ơn và đền ơn được Phật khen là quý báu, khó được. Cho nên, những ai gặp được Chánh pháp, biết tu tập lợi mình ích người, biết ơn tất cả và sống vì hạnh phúc an lạc cho số đông, đó chính là những báu vật ở đời.