Ảnh minh hoạ.

Người học đạo hành xử thế nào khi gặp nghịch cảnh?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Người tu đạo không nên có tâm ích kỷ, tâm tự lợi, trái lại phải làm lợi ích kẻ khác. Ðừng làm hại người để lợi mình, hoặc coi thường người khác.

Cho nên, người tu đạo phải biết hồi quang phản chiếu, xét lại chuyện quá khứ đã làm, chuyện hiện tại đang làm, rồi quán chiếu chuyện tương lai.

Lúc nào cũng vậy, bất cứ giờ nào phút nào cũng không quên lương tâm, đạo đức, thì qua một thời gian lâu, thiện căn sẽ tự nhiên tăng trưởng, tâm Bồ Ðề sẽ lớn vững. Bấy giờ mình mới có thể thực hành Ðạo Bồ Tát, làm lợi ích cho chúng sinh được; cho nên cái quan hệ đó là liên đới.

Ta đừng vì sợ nghịch cảnh mà thối thất tâm Bồ Ðề. Ma chướng là thử thách, khảo nghiệm. Cũng như học sinh lúc mới bắt đầu đi học thì cảm thấy bài học rất khó, nhưng thời gian qua, khi đã nhập môn biết chút đỉnh rồi thì không còn thấy khó nữa. Từ lúc học Tiểu học, lên Trung học rồi đến Ðại học, ai cũng có tâm trạng như vậy, cho nên nói rằng:

Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,

Trẫm đắc mai hoa phác tữ hương?

Nghĩa là:

Không qua một phen lạnh thấu xương,

Sao đặng hoa mai nở ngát hương?

Và:

Thập niên hàn song vô nhân vấn,

Nhất cử thành danh thiên hạ tri!

Nghĩa là

Mười năm cửa lạnh không ai hỏi,

Một sớm danh thành mọi người hay!

Giống như chàng tú tài bỏ mười năm học đơn côi, lạnh lẽo, chẳng ai thèm để ý, chừng khi anh ta đỗ đạt nổi danh thì lúc đó ai cũng biết. Lúc mình tu hành, đừng vọng tưởng muốn “xuất phong đầu,” muốn người ta để ý tới mình!

Tu phước, tu huệ không phải một ngày một đêm mà thành đặng; phải cần một thời gian, mà mỗi giờ mỗi phút mình phải làm liên tục không ngừng.

Sau khi xuất gia rồi, nếu còn cầu danh, cầu lợi thì đó là chuyện thật chẳng ra gì. Chúng ta khi đã xuất gia thì phải nhận chân tu hành một cách thiết thực, phải tài bồi cái gốc phước huệ của mình. Tu phước thì phải làm lợi ích người khác, tu huệ thì phải nghiên cứu kinh điển. Thường làm chuyện lợi ích thì mới sinh được phước đức.

Có người hỏi: “Làm thế nào để lợi ích người khác? Phải chăng là dùng tiền làm chuyện công đức?” Chẳng phải vậy! Chỉ cần tâm mình đừng có lòng giết hại, đừng có lòng trộm cắp, đừng có lòng tà dâm, đừng có lòng dối trá, cũng đừng rượu chè, thì đó là mình bồi đắp cho ruộng phước của mình rồi. Cho nên nói:

Từ bi khẩu,

Phương tiện thiệt,

Hữu tiền vô tiền,

Ðô tác đức. Nghĩa là:

Với miệng từ bi,

Với lưỡi phương tiện,

Dù có tiền hay không có tiền,

Cũng làm được chuyện có đức.

Nếu miệng mình không chửi rủa người khác, chẳng nói lời thô kệch, độc ác, làm tổn thương người khác thì đó là công đức. Bất cứ ở mọi nơi phải biết tiếc phước đức của mình, đừng làm việc tổn phước. Ở chỗ nào mình cũng phải tu phước, tu huệ. Tu phước, tu huệ không phải một ngày một đêm mà thành đặng; phải cần một thời gian, mà mỗi giờ mỗi phút mình phải làm liên tục không ngừng. Không thể là: Nhất nhật bộc chi, thập nhật hàn chi. Nghĩa là: Một ngày phơi nắng, mười ngày để lạnh. Hay: Một ngày làm, mười ngày nghỉ.

Nếu mình như vậy thì vĩnh viễn không tiến bộ được. Cho nên phải nhận định tông chỉ, dũng mãnh tinh tấn, đừng thụt lùi, thối chuyển. Ðó là điều căn bản mà người tu Ðạo phải có đủ!

Tin cùng chuyên mục