Các vị Phật, Bồ Tát, Đại sư cao tăng có mặt ở thế giới Ta bà này là do lòng từ và vì lòng từ, ngoài ra không còn mục đích khác.
Bồ Tát Quan Thế Âm là biểu tượng tâm từ vô lượng của Phật pháp được đồng bào, Phật tử, bá tánh ví như mẹ hiền.
Từ cửa tâm từ có thể đi đến giác ngộ giải thoát.
"Từ" là một trong bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả). Người Phật tử dù xuất gia hay tại gia đều nên thường xuyên tu tập phát triển tâm từ khế hợp với Phật tính thanh tịnh của tất cả chúng sanh, con người.
Từ chữ hán 慈, thương yêu Mettā Citta tâm từ là lòng thương yêu rộng lớn chân thành, cao thượng, không phân biệt, không điều kiện, mong sự sự an lạc giải thoát lâu dài cho mình và tất cả chúng sinh, con người.
Tâm từ là mục đích của Phật Bồ Tát ở thế gian, có đặc tính bất hại, thương yêu và cứu giúp, không tổn hại.
Đức Phật dạy tu tâm từ trong kinh bộ Tương Ưng: “Này các Tỳ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: Chúng tôi sẽ tu tập tâm từ giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện”.
Nói đơn giản "từ" là lòng thương yêu chân thật, không có dư vị ích kỷ trong đó.
Từ năng dữ lạc: nghĩa là tâm từ có thể mang lại niềm an vui cho mọi người.
Từ bi hai chữ có khả năng giải trừ oan trái nhiều kiếp.
Vậy Phật tử, Bồ-tát làm sao thực hành lòng từ chân thật.
Có nhiều kinh nói về lòng từ, có nhiều cách biểu hiện lòng từ.
Theo kinh Duy ma, cư sĩ Duy-ma-cật nói Bồ-tát tự nghĩ: Ta phải vì chúng sanh nói pháp giải thoát chân thật." Ấy tức là lòng từ chân thật vậy.
Thực hành lòng từ tịch diệt vì vốn không có chỗ sanh diệt.
Thực hành lòng từ bất nhiệt vì không gây ra phiền não, phiền hà cho chúng sanh.
Thực hành lòng từ bình đẳng vì các pháp vốn chân thật bình đẳng.
Thực hành lòng từ vô tranh vì không có chỗ tranh hơn thua thị phi phải trái.
Thực hành lòng từ không hai vì trong ngoài vốn tự hòa hợp.
Thực hành lòng từ không hoại vì rốt ráo diệt tận.
Thực hành lòng từ kiên cố vì tâm kiên định không thay đổi hủy hoại.
Thực hành lòng từ thanh tịnh vì các pháp tánh vốn bản nhiên thanh tịnh không thêm bớt.
Thực hành lòng từ vô biên vì tâm vốn rộng lớn như hư không không ngằn mé.
Thực hành lòng từ A-la-hán vì để phá các kiết sử phiền não và các pháp bất thiện.
Thực hành lòng từ Bồ-tát để an ổn tất cả muôn loài chúng sanh.
Thực hành lòng từ Như Lai vì thành tựu tướng như như bất động.
Thực hành lòng từ của Phật vì giác ngộ cho tất cả chúng sanh.
Thực hành lòng từ tự nhiên vì không cần thêm bất kỳ thứ gì.
Thực hành lòng từ Bồ-đề vì một vị giải thoát bình đẳng.
Thực hành lòng từ vô đẳng vì đoạn các tham ái.
Thực hành lòng từ đại bi vì dẫn dắt đến Đại thừa giác ngộ.
Thực hành lòng từ không chán vì quán như thật không, vô ngã.
Thực hành lòng từ pháp thí vì, không vì bố thí mà tiếc nuối.
Thực hành lòng từ trì giới vì giáo hóa những người không thực hành giới.
Thực hành lòng từ nhẫn nhục vì bảo hộ chúng sanh được an ổn.
Thực hành lòng từ tinh tấn là để gánh vác trách nhiệm cứu độ chúng sanh.
Thực hành lòng từ thiền định vì không thọ vị.
Thực hành lòng từ trí tuệ vì đều biết lý, cơ thời, xứ Thực hành lòng từ phương tiện vì tất cả thị hiện.
Thực hành lòng từ không ẩn vì trực tâm thanh tịnh.
Thực hành lòng từ thâm tâm vì không có những hạnh tạp.
Thực hành lòng từ không dối gạt vì không hư giả.
Thực hành lòng từ an lạc vì khiến được an vui rốt ráo của Phật.
Thực hành lòng từ của Bồ-tát vì Phật tử là như thế ấy.
Tóm lại tu tập tâm từ, phát khởi niệm từ, thực hành hạnh từ, mở rộng lòng từ thương yêu giúp đỡ muôn loài chúng sanh con người theo tâm từ của chư Phật Bồ Tát Thánh hiền một cách chân thật chính là nối dài cánh tay của Bồ Tát Quan Thế Âm ở thế gian hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc muôn loài, muôn người.
Hoà Thượng Minh Châu nói: Tâm từ mở ra, khổ đau khép lại.
Thế giới thời nay có ngài Đạt Lai Lạt Ma, Sư bà Chứng Nghiêm,...là những biểu tượng của tâm từ sống động của Phật giáo.
Mong rằng thế giới, đất nước có nhiều người tu tập tâm từ theo tinh thần của Phật thì đất nước được thanh bình thịnh trị, thế giới hòa bình an ổn, nhân loại an lạc hạnh phúc.