Bậc thượng nhân

Bậc thượng nhân

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thượng nhân có nghĩa thường là người bậc trên, vị bề trên. Như thế nào gọi là trên? Vấn đề này tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người và một nhóm người. Trong Phật pháp, thượng nhân chỉ cho những bậc hơn người, là những bậc chân tu, thiện trí thực hành phạm hạnh và chứng đạt tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Bậc thượng nhân thực hành và an trú vào pháp thượng nhân. Nếu không thực hành pháp thượng nhân thì dẫu có quyền cao chức trọng cũng không xứng bậc thượng nhân, chỉ là cấp trên như các chức vị khác trong xã hội.

Theo quan điểm của Đức Phật, bậc thượng nhân thường “quán bảy xứ thiện, xét bốn pháp”. Quán bảy thiện xứ là thực hành từ, bi, hỷ, xả, không, vô tướng, vô nguyện. Xét bốn pháp là thực hành Tứ niệm xứ thân, thọ, tâm, pháp. Đây là những pháp dẫn đến chứng đắc Niết-bàn, thành tựu cứu cánh phạm hạnh.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

- Hãy quán bảy xứ thiện, lại xét bốn pháp, ở trong ngay trong đời này được gọi là thượng nhân. Này Tỳ-kheo, thế nào là quán bảy xứ thiện? Ở đây, Tỳ-kheo đem tâm từ rải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, bốn hướng và phương trên dưới cũng đều như vậy, làm cho tâm từ tràn đầy khắp thế gian. Với tâm bi, hỷ, xả, không, vô tướng, vô nguyện cũng lại như vậy. Các căn đầy đủ, ăn uống điều độ, thường tự giác ngộ; Tỳ-kheo quán bảy pháp như vậy.

- Tỳ-kheo, xét bốn pháp như thế nào? Ở đây, Tỳ-kheo quán thân nơi nội thân, trừ khử sầu ưu, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ. Quán thọ nơi nội thọ thọ, thọ niệm xứ; quán thọ nơi ngoại thọ, thọ thọ niệm xứ; quán thọ nơi nội ngoại thọ, thọ niệm xứ. Quán tâm nơi nội tâm, tâm niệm xứ; quán tâm nơi ngoại tâm, tâm niệm xứ; quán tâm nơi nội ngoại tâm, tâm niệm xứ; trừ khử sầu ưu, không còn các khổ hoạn. Quán pháp nơi nội pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi ngoại pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi nội ngoại pháp, pháp niệm xứ. Tỳ-kheo, hãy quan sát bốn pháp như vậy.

- Này Tỳ-kheo, quán bảy xứ thiện và xét bốn pháp ấy, ở ngay trong đời này là bậc thượng nhân. Vì vậy, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy xứ thiện và xét bốn pháp ấy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Bảy pháp, kinh số 3)

Bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả là pháp căn bản của bậc thượng nhân. Có thể quan sát được những đức hạnh này của một người thông qua đời sống thường nhật. Bậc thượng nhân không còn nóng nảy, giận hờn (nhờ từ), thường giúp đỡ mọi người không nề hà gian khó (tâm bi), lúc nào cũng hoan hỷ, vui vẻ và xả buông không chấp thủ.

Kế đến là thực hành không, vô tướng, vô nguyện, tam giải thoát môn. Định, tuệ và giải thoát có mặt đầy đủ trong ba cánh cửa này. Quán duyên khởi để vào cửa giải thoát không, quán vô thường để vào cửa giải thoát vô tướng, quán khổ để vào cửa giải thoát vô tác hay vô nguyện.

Bậc thượng nhân luôn thực hành Tứ niệm xứ. Cốt tủy của Tứ niệm xứ là thiền quán, đặc biệt là hiện quán, thấy rõ pháp đang là. Dù được phân chia thành bốn lãnh vực quán niệm thân, thọ, tâm, pháp nhưng nếu xét ở góc độ hiện quán thì tuy bốn xứ mà chỉ có một, là pháp đang là. Tâm thường biết, sáng tỏ, tĩnh lặng và rỗng rang với hiện tại vô thường, sinh diệt.

Thượng nhân, bậc trên chính là từ bi và trí tuệ đủ đầy; Tam vô lậu học, Tam giải thoát môn, Tứ niệm xứ được thực hành đúng mực. Dù họ vô danh, vẻ ngoài tầm thường nhưng đầy đủ các phẩm hạnh này chính là bề trên, thượng nhân đáng cho người đời tôn trọng, kính lễ.

Tin cùng chuyên mục