Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Giải thoát sự trói buộc

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Giải thoát sự trói buộc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay thiếu nữ Bà-la-môn này vu cáo Ta điều không có thật. Thuở trước, nó cũng đã vu cáo rồi. Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Chỗ này kẻ ngu nói...,

Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về thiếu nữ Bà-la-môn Cinca. Câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Mahàpaduma, Chương mười hai (số 472). Lúc bấy giờ, bậc Ðạo sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay thiếu nữ Bà-la-môn này vu cáo Ta điều không có thật. Thuở trước, nó cũng đã vu cáo rồi.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát lớn lên trong gia đình một người cố vấn tế tự, và sau khi cha mất, Bồ-tát kế nghiệp chức vụ ấy. Lúc ấy hoàng hậu được vua cho một ước nguyện.

- Này Hoàng Hậu, nàng muốn gì, hãy nói lên.

Hoàng Hậu nói như sau.

- Lời ước nguyện của thiếp không khó thực hiện. Từ nay trở đi Ðại vương không được nhìn một nữ nhân khác với con mắt luyến ái.

Ban đầu, vua từ chối, nhưng sau, bị nàng bức bách nhiều lần, không thể bỏ qua lời của hoàng hậu, vua phải chấp nhận, và từ đấy trở đi, vua không bao giờ nhìn một nữ nhân nào trong số mười sáu ngàn vũ nữ.

Rồi một cuộc nổi loạn khởi lên ở biên điạ. Quân lính ở biên địa, sau hai ba lần giao chiến với các tên cướp, đưa tin về cho vua là họ không thể dẹp loạn được. Vua muốn đi đến đấy, liền tập họp một đội binh lớn, cho gọi hoàng hậu đến và nói.

- Này hiền thê, ta ra biên địa, tại đấy chiến trận đủ loại xảy ra,sẽ đưa đến chiến thắng hay chiến bại.

Những chỗ ấy không thích hợp với nữ nhân. Hoàng Hậu hãy ở lại đây. Hoàng Hậu nói.

- Thưa Ðại vương, thiếp không thể ở lại đây.

Khi bị vua từ chối nhiều lần, hoàng hậu nói.

- Vậy sau khi đi được mỗi dặm,Ðại vương hãy gửi một người về để hỏi thăm sức khoẻ của thiếp.

Nhà vua chấp nhận. Bồ-tát ở lại trong thành, còn vua ra đi với một đội quân lớn, cứ đi mỗi dặm, lại gửi một người về với trách nhiệm tin cho biết sức khoẻ của nhà vua và hỏi thăm hoàng hậu có được an lạc không. Khi có một người đàn ông đi về, nàng hỏi:

- Vua sai ngươi về có mục đích gì?

- Ðể hỏi hoàng hậu có được an lạc không.

Hoàng Hậu bảo người ấy đến và sống phi pháp với nó. Vua đi đường được ba mươi hai dặm, gửi về ba mươi hai người, và hoàng hậu sống phi pháp với tất cả bọn họ.

Sau khi dẹp loạn xong, bình định được quốc độ, trên đường về, vua cũng gửi về ba mươi hai sứ giả.

Hoàng Hậu cũng sống phi pháp với họ. Cho quân thắng trận dừng chân gần thành, vua gửi tin nhắn Bồ- tát sửa soạn thành phố để đón tiếp ngài.

Bồ-tát cho sửa soạn thành phố xong, mới sửa soạn cung điện để đón vua và đi đến cung thất của hoàng hậu. Hoàng Hậu thấy thân thể của Bồ-tát tuyệt đẹp, không thể dằn lòng nổi, liền nói:

- Này Bà-la-môn, hãy đáp lại tình yêu của ta.

Bồ-tát nói:

- Chớ nói vậy! Hãy kính trọng vua. Tôi sợ điều bất thiên. Tôi không thể làm như vậy được.

- Sáu mươi bốn tên sứ giả đã không kính trọng vua, đã không sợ điều bất thiện, vậy ngươi lại kính trọng vua và sợ điều bất thiện sao?

- Thưa vâng, nếu họ suy nghĩ, họ đã không làm như vậy, nhưng vì tôi có biết điều phải, tôi sẽ không làm việc ác này.

- Ðừng nói bậy nhiều như vậy! Nếu ngươi không làm theo lời ta, ta sẽ bảo chặt đầu ngươi.

- Thôi được, dầu cắt đầu tôi trong một đời này hay trong trăm ngàn đời, tôi cũng không thể làm như vậy.

- Hãy để đấy, rồi sẽ biết tay ta.

Hoàng Hậu đe dọa Bồ-tát, rồi đi vào trong phòng của mình, lấy móng tay cào trên thân, lấy dầu thoa tay chân, mặc áo dơ bẩn vào, giả bệnh và cho gọi các nữ tỳ:

- Nếu vua có hỏi hoàng hậu ở đâu, thì trả lời hoàng hậu bị bệnh.

Trong lúc ấy Bồ-tát đi đón vua. Sau khi đi vòng quanh thành phố, vua ngự lên cung điện, không thấy hoàng hậu, liền hỏi hoàng hậu ở đâu. Khi được trả lời hoàng hậu bị bệnh, vua đi vào phòng hoàng hậu, xoa lưng hoàng hậu và hỏi:

- Hoàng Hậu đau bệnh gì?

Hoàng Hậu im lặng. Khi vua hỏi lần thứ ba, hoàng hậu nhìn vua và nói:

- Thưa Ðại Vương, nay Ðại vương còn sống, nhưng nữ nhân như thiếp cần phải có một người chồng.

- Ái khanh nói gì lạ vậy?

- Ðại vương đặt địa vị cố vấn tế tự ở lại giữ thành, nó lấy cớ là sửa sang nội cung, đến đây, và vì thiếp không làm theo lời nó, nó đánh đập thiếp cho thoả mãn ý của nó rồi bỏ đi.

Vua đùng đùng nổi giận, như muối và đường bỏ vào lửa, vụt đi ra khỏi cung phòng. Vua cho gọi các người gác cửa, các lính bộ binh đến, bảo họ bắt Bồ-tát ngay, trói cánh tay ra sau lưng những người bị xử án chém, rồi dẫn ra khỏi thành, đến pháp trường xử trảm. Họ đi thật mau, trói cánh tay vị cố vấn tế tự ra sau lưng và cho đánh trống báo tin có hành quyết. Bồ-tát suy nghĩ: “Như vậy nhà vua đã bị hoàng hậu độc ác đầu độc trước rồi. Hôm nay, ta phải cứu ta khỏi tay ương này với sức của mình”. Vì thế, Bồ-tát nói với những người lính:

- Trước khi các người giết ta, hãy đưa ta yết kiến vua.

- Ðể làm gì?

- Vì ta là người phục vụ vua, đã làm được nhiều công việc. Ta biết tài sản chôn dấu rất nhiều. Chính ta quản lý đất ruộng nhà vua. Nếu ta không gặp vua, thì nhiều tải sản sẽ bị tiêu diệt. Sau khi ta nói cho vua biết gia sản của vua, các ngươi hãy làm bổn phận của mình.

Họ đưa vị cố vấn tế tự đến gặp vua. Vua thấy vị ấy liền nói:

- Này Bà-la-môn, ngươi không xấu hổ đối với ta sao? Sao ngươi lại làn ác hạnh như vậy?

- Thưa đại vương, tôi sinh ra trong gia đình Bà-la-môn thượng lưu. Từ trước đến nay, tôi không sát sanh ngay cả một con kiến. Từ trước đến nay, tôi không lấy của không cho, ngay cả một cọng cỏ. từ trước đến nay, tôi không nhìn đến một nữ nhân của người khác với con mắt luyến ái, dù chỉ một cái liếc mắt đưa tình. Từ trước đến nay, tôi không nói một lời nói dối, dầu chỉ để đùa vui. Tôi không có uống rượu, dù chỉ một giọt bằng ngọn cỏ Kusa. Tôi hoàn toàn vô tội đối với đại vương. Nhưng hoàng hậu độc ác kia đã cầm tay tôi với tâm tư đầy dục vọng, nói toạc cho tôi biết ác hạnh bí mật của mình trước khi đi vào cung phòng. Trước tôi đã có sáu mươi bốn người sứ giả đến đÂy, đem theo thông điệp của đại vương gửi hoàng hậu, những người ấy đều có tội. Hãy gọi họ đến đây và hỏi từng người trong bọn họ có làm như hoàng hậu đã bảo hay không.

Vua cho gọi sáu mươi bốn người kia và hoàng hậu đến và hỏi họ có làm như hoàng hậu đã bảo hay không. Họ thú nhận có làm. Nhà vua sai trói họ lại và ra lệnh chặt đầu cả sáu mươi bốn người ấy. Ðến đây, Bồ-tát thưa:

- Thưa đại vương, những người này không có tội! Chúng chỉ làm theo sở thích của hoàng hậu. Chúng vô tội, vậy hãy tha cho chúng! Còn hoàng hậu cũng không có tội. Tánh dâm dục của hoàng hậu không bao giờ thoả mãn, sanh ra đã như vậy rồi! Hoàng Hậu chỉ làm thuận theo bản tánh của mình thôi! Do vậy, hãy tha thứ cho hoàng hậu.

Như vậy, bằng nhiều cách, Bồ-tát làm cho vua hiểu rõ sự việc, cứu mạng sống sáu mươi bốn người ấy và bà hoàng hậu ngu si, và xin vua ban cho họ những trú xứ để ở. Sau khi tất cả mọi người được giải thoát và được cho chỗ ở, Bồ-tát đến vua và thưa:

- Thưa Ðại vương, lời nói buộc tôi không căn cứ của kẻ ngu si và đui mù làm cho các bậc hiền trí bị trói vào chỗ không xứng đáng, bị trói quặp cánh tay sau lưng; còn lời nói của bậc hiền trí là nguyên nhân khiến kẻ ngu si thoát khỏi bị trói tay sau lưng. Như vậy, lời kẻ ngu trói buộc một cách không thích đáng, còn lời nói bậc hiền trí thời giải thoát các trói buộc.

Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:

Chỗ nào kẻ ngu nói,

Chúng trói kẻ vô tội,

Chỗ nào bậc trí nói,

Cứu thoát kẻ bị trói.

Như vậy, bậc Ðại Sĩ với bài kệ này, thuyết pháp cho vua và nói:

- Tôi gặp sự đau khổ này là vì còn sống đời gia đình. Nay tôi không có công việc gì trong gia đình nữa.

Hãy cho phép tôi được xuất gia.

Sau khi được phép xuất gia, từ bỏ bà con thân thuộc, từ bỏ tài sản lớn, Bồ-tát làm bậc tiên nhân du sĩ, sống ở Tuyết Sơn, đạt được các thắng trí và Thiền chứng và tái sanh lên cõi Phạm Thiên.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:

- Thời ấy bà hoàng hậu độc ác là thiếu nữ Bà-la-môn Cinca, vua là Ànanda, còn vị cố vấn tế tự là Ta vậy.

Tin cùng chuyên mục