Đền chùa – Gám trong tâm thức người dân quê lúa
Trong tiềm thức của người Yên Thành, Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo hoà quyện, ăn sâu vào máu thịt chứng minh độ đậm đặc của các di tích lịch sử - văn hoá, theo thống kê hiện nay trên địa bàn huyện có 520 di tích danh thắng, trong đó có trên 200 di tích danh thắng đã được lập danh mục quản lý, với 21 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 36 di tích xếp hạng cấp tỉnh... Trong chuỗi những di tích đó, chùa Chí Linh (Đền – chùa Gám) hè này được Ban HDPT tỉnh Nghệ An chọn chùa Chí Linh là địa điểm tổ chức khóa tu “Ươm mầm hoa sen”.
Chùa Gám, tên chữ là Chí Linh tự, nghĩa là chùa Chí Linh, một ngôi cổ tự rất đỗi linh thiêng trên mảnh đất Yên xứ Nghệ này. Chùa hình thành ở giai đoạn nào, xây dựng ra sao, quy mô như thế nào, hiện chưa có một nguồn sử liệu ghi rõ. Chỉ biết, trong lịch sử địa chí Nghệ An nói chung, Yên Thành nói riêng, thời đại phong kiến nào cũng có nhắc đến tên chùa.
Tên chùa Gám, vì chùa tọa lạc tại Làng Kẻ Gám xưa (nay thuộc xóm 6, xã Xuân Thành) nên lấy tên làng đặt tên cho chùa. Cũng có truyền thuyết rằng: Yên Thành là huyện chuyên độc canh cây lúa, nên điều kiện canh tác của người dân phần đa lúc đó còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều năm hạn hán lớn, dân làng vào núi Phượng Sơn gần đó để đào củ hoài sơn, hái quả rừng mà ăn.
Trong núi có cây thân leo gọi là cây Gắm quả chùm, hình quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay lương thực. Những năm mất mùa, dân làng và các nơi vào núi hái quả Gắm đem về ninh nhừ ăn để qua lúc bần hàn. Những vụ sai quả, nhân dân hái về phơi khô dự trữ như: ngô, khoai, sắn.
Để nhớ ơn làng, ơn núi có cây cho quả cứu người lúc đói kém, giáp hạt. Người dân trong vùng đã đặt tên núi, tên làng là làng Gắm, núi Gắm. Nhưng quá trình Hán hoá và phiên âm lệch đi thành Gám. Lại có ý kiến cho rằng: Để tránh tên huý cây thiêng, nên từ Gắm đổi sang Gám, và chùa Gám cũng có tên từ đó.
Vào những năm 40 - 41 của thế kỷ trước, theo trào lưu dân trí thấp kém, chùa đã bị phá hủy, một phần để tiêu thổ cho kháng chiến, một phần để phục vụ cho những công trình phúc lợi bấy giờ như: Trạm y tế, trường học, hợp tác xã, trụ sở ủy ban…và từ đó, chùa dần đi vào dĩ vãng.
Nhưng tâm tưởng và ký ức của những bậc cao niên trong làng, hình ảnh của ngôi chùa Gám linh thiêng mãi không thể xóa mờ. Do đó, khi cuộc sống nhân dân có phần đỡ cực, ý thức về xây dựng đời sống tâm linh được khai thông, chùa lại bắt đầu được chú ý và quan tâm đến. Từ trong sâu thẳm đáy lòng bày ra hiện thực, thế là dáng dấp chùa xưa cứ thế mà phục hồi.
Không ai bảo ai, từ già trẻ lớn bé, nam nữ thanh niên đều có lòng hướng Phật. Nhân duyên đầy đủ, “chùa có sư, như nhà có nóc”, nhân dân Phật tử của chùa lại vui mừng được đón sư về trụ trì hướng đạo cho mọi người.
Đại đức Thích Trúc Thông Kiên, là đệ tử của Hoà thượng Thích Thanh Từ, người đã khôi phục Thiền phái Trúc Lâm đương đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, được Ban quản trị thiền phái Trúc Lâm cử ra làm phật sự theo lời thỉnh cầu của nhân dân phật tử huyên Yên Thành. Được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp ủy đảng chính quyền huyện, xã và sự mến mộ tin yêu của phật tử khắp nơi trong toàn huyện, từ những khó khăn bước đầu về làm việc Phật, với những cực khổ không thể diễn tả ít lời mà thấu, cho đến những thành quả hôm nay, thì có ai cũng tự hiểu, nếu Thầy không phải bậc chân tu thì lẽ nào đạt được.
Sự hồi sinh Phật giáo trên đất Yên xứ Nghệ
Chùa Gám (Chí linh tự) là công trình kiến trúc cổ thờ Phật, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Các mảng điêu khắc và hoa văn hoạ tiết hết sức tinh xảo. Cũng chính các mảng điêu khắc đó đã xác định được từ xa xưa Phật giáo tại chùa Gám theo tông phái Trúc Lâm, một tông phái phát triển rực rỡ dưới các triều đại Lý, Trần.
Cuối năm 2010, tỉnh Nghệ An thống nhất chủ trương cho phép UBND huyện Yên thành lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch văn hoá tâm linh sinh thái Rú Gám ( Đền – chùa Gám).
Ngày 28/10/2012, UBND huyện Yên Thành đã tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái và tâm linh Rú Gám. Theo quyết định này, tổng diện tích quy hoạch trên 316 hecta, được chia thành 5 khu chức năng: Khu di tích gốc; Khu tâm linh ; Khu đền Bạch Y; Khu nghĩa trang liệt sỹ; Khu nghỉ dưỡng sinh thái và dịch vụ tổng hợp: Ngày 4/4/2015 đã tổ chức lễ đặt đá xây dựng thiền viện Trúc Lâm Yên Thành và khởi công hạng mục tượng Đại Phật An Quốc, khởi công xây dựng chùa một cột và an vị tôn tượng Bổn sư trong quần thể Thiền viện trúc Lâm Yên Thành.
Riêng Chùa chí Linh (Đền - chùa Gám) đã được mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ sở vật chất tương đối khang trang để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tu học của phật tử. Nào là những khóa tu định kỳ hàng tháng nếu không trúng vụ mùa thì cũng 800 - 900 người về dự. Nào là những khóa tu mùa hè dành cho hàng ngàn thanh thiếu niên trong huyện mỗi kỳ về tu học. Nhờ những buổi sinh hoạt đạo đức mùa hè theo tinh thần nhà Phật mà Thầy đã cảm hóa được biết bao nhiêu “cậu ấm cô chiêu”, và những thanh niên cá biệt đã biết “quay đầu là bờ” để làm lại cuộc đời sau những lầm mê.
Nào là mở võ đường để huấn luyện sức khỏe, võ đức cho thanh thiếu niên trong vùng. Nào là xây dựng tình đoàn kết xóm làng thông qua những cuộc gặp gỡ giao lưu kết duyên với các câu lạc bộ văn hóa, hội người cao tuổi, hội thơ Đường, hội cựu chiến binh... Nào là những hoạt động rất đỗi nhân bản đối với nhân dân trong vùng: như trao tặng quà khuyến học thường xuyên, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cháu thiếu nhi khuyết tật, mồ côi, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương…
Đến nay, trên địa bàn toàn huyện có 28 đạo tràng sinh hoạt ở 26 xã, thị trấn, hơn một vạn tín đồ phật tử đã quy y và hàng vạn người dân có cảm tình với đạo phật. Có thể nói, từ khi có Đại đức Thích Trúc Thông Kiên và Đại đức Thích Tuệ Minh về hướng dẫn, tu tập đã làm thay đổi bộ mặt của Phật giáo trong vùng, chí ít là từ lúc mờ nhạt cho đến ngày hôm nay.