Con người cũng rất vô thường và không bền vững

Con người cũng rất vô thường và không bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chưa bao giờ trong đời chúng ta thấy vô thường rõ rệt như bây giờ có phải không? Khi mà biến động xảy ra khắp nơi trên thế giới. Dịch bệnh lan tràn khắp mọi nơi và ngày càng trở nên nguy hiểm và phức tạp hơn.

Chúng ta đã thoát một lần rồi phải không? Không biết là duy trì được bao lâu nhưng đó cũng là những cơ hội quý giá mà có thể vài chục năm nữa, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ không có những cái trải nghiệm này.

Mà nó thương đau quá thì trải nghiệm để làm gì? Không ! chính trong cái thương đau này chúng ta mới bắt đầu hiểu thêm một chút về bản chất của đời sống, về những niềm tin mà mình có vẻ như đã tin chắc, về những gì mà mình đang lao tới, về những mục tiêu hấp dẫn mà mình muốn nắm bắt, mình thấy rõ tất cả những điều đó đều có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Mình cũng thấy rõ cái được gọi là siêu cường bậc nhất nó chỉ mang tính tương đối thôi, rồi vị trí số một cũng sẽ phải nhường cho người khác. Mình cũng thấy rõ không hề có cái gọi là thượng đẳng, hay là độc tôn, cũng không bất cứ cái gì có thể gọi là bền vững, là vĩnh cửu.

Mọi thứ đều liên tục thay đổi. Người thân yêu bên cạnh của mình cũng vậy, cái người mình rất thương, rất tin tưởng ấy.

Cái người mà mình cho rất nhiều ân tình ấy họ cũng có thể trở mặt quay lưng, họ có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Tại vì sao vậy? Vì họ là một con người.

Trong cái gọi là con người nó có tính vô thường, có tính không bền vững. Vậy nên câu hỏi đặt ra là: làm sao chúng ta sống được với những con người vô thường ấy, với những hoàn cảnh đầy biến động đổi thay không ngừng ấy, và làm sao để chúng ta cũng sống được với chính cái con người đầy vô thường như chính mình nữa?

Không phải chỉ có người kia vô thường đâu, mình cũng vô thường gần chết, cũng sáng nắng chiều mưa phải không. Thay đổi suy nghĩ, thay đổi cảm xúc, thích và không thích liên tục, thương và ghét liên tục.

Đức Phật ở 26 thế kỷ trước đã giác ngộ, đã thấy được rằng con người còn một lối đi có thể chọn lựa, đó là quay vào bên trong.

Dĩ nhiên như đã nói là chúng ta cũng phải mưu sinh, cũng phải yêu thương, nhưng chúng ta cũng có thể quay vào bên trong. Có lúc dành nhiều thời gian toàn phần để quay vào bên trong, có lúc mình tương tác với đời sống, cũng làm việc cũng yêu thương, nhưng cũng không nên quên quay vào bên trong.

Quay vào bên trong để để hiểu bản thân mình, để chăm sóc chính mình. Tại vì trong con người của mình nó có hai cái thế lực rõ rệt:

Có lúc mình rất là thánh thiện phải không, rất thuần khiết trong trẻo, mình thấy mình thương một người nào đó mà không cần phải điều kiện gì cả, nên chắc chắn mình có nhiều tố chất đặc biệt.

Nhưng mà cũng có lúc ta là ai mà trần gian thế? Ta là ai mà ngạo mạn điên cuồng, bảo thủ cố chấp, độc đoán đầy chất độc như vậy?

Mình cũng nghi ngờ lắm, có lúc mình đầy niềm tin vào bản thân mình, nhưng có lúc mình cũng chán mình kinh khủng. Có lúc mình đầy tự tôn nhưng rồi cũng có lúc đầy tự ti. Thậm chí khi hai cái thái cực đó đổi liên tục thì gọi là rối loạn lượng cực (bi polar). "Rối loạn hưng trầm cảm" là một chứng bệnh tâm lý phổ biến của thời đại đứng sau trầm cảm.

Con người mình nó cứ thay đổi liên tục, nó có ánh sáng thánh thiện, nhưng mà nó cũng có bóng tối của quỷ dữ. Có lúc mình thấy mình như một vị Bồ Tát, nhưng mà có lúc mình như là một con quỷ dữ, và ranh giới giữa Bồ Tát và quỷ dữ chỉ trong đường tơ sợ tóc mà thôi.

Đang rất là Bồ tát, thở vào thở ra miệng mỉm cười an trú, đột nhiên bên kia quăng cho một câu tự ái, thế là Bồ Tát biến mất nhường lại cho chúng sinh hoạt động.

Vậy nên Đức Phật mới nói bạn muốn sống với phần chúng sinh trong con người bạn hay là bạn muốn phát triển những phần khác? Muốn trả lời lời được câu hỏi này, việc đầu tiên cần làm là quay vào bên trong, là trở về trọn vẹn với chính mình.

Tin cùng chuyên mục