Tạp tu và chuyên tu

Tạp tu và chuyên tu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Có quan niệm cho rằng, người tu pháp môn Tịnh độ mà đọc tụng, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp ngoài các kinh Tịnh độ, và hành thiện tu phước (làm các việc cúng dường, bố thí-từ thiện) là tạp tu; chỉ niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà là đủ, đó gọi là chuyên tu.

Trong thời gian gần đây, quan niệm trên trở nên khá phổ biến, nhiều vị giảng sư thuộc tông Tịnh Độ cũng chủ trương như thế. Nhận thấy quan niệm tu tập này có nhiều chỗ không hay, nếu không muốn nói là gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, cho nên người viết mạo muội nói lên suy nghĩ của mình, đưa ra ý kiến để cùng nhau trao đổi, thảo luận hầu giúp mọi người nhận định đúng hơn về đường lối tu tập của Tịnh tông.

Theo người viết, dù tu pháp môn nào, hành giả cũng phải nắm lấy trọng tâm của giáo pháp, căn cứ trên cơ sở kinh điển, không thể chủ trương đường hướng lệch lạc, xa rời kinh điển và giáo pháp của Đức Phật. Nghiên cứu các kinh điển, sớ giải thuộc tông Tịnh Độ, chúng ta không hề thấy việc khuyên người tu Tịnh độ chỉ niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà mà không nên đọc tụng, nghiên cứu kinh điển và làm các việc từ thiện, tu tạo công đức. Ngược lại, qua các kinh Tịnh độ, chư Phật, Tổ còn dạy hành giả nên siêng năng đọc tụng kinh điển Đại thừa (“đọc tụng kinh điển Đại thừa” là cụm từ các kinh của Phật giáo Phát triển thường hay nhắc đến), và nên tích cực tu tạo nhiều công đức, phước báo để trợ duyên cho chánh nhân niệm Phật. Bởi thường tinh tấn đọc tụng kinh điển mới tăng trưởng trí tuệ, tu tạo nhiều công đức mới đủ phước báo vãng sinh. Tiểu kinh A Di Đà (Phật thuyết A Di Đà kinh) cho biết người có chút ít thiện căn (căn lành, nhân duyên lành) thì không thể sinh về cõi Cực lạc, có nghĩa là cần phải có thiện căn (căn lành, gốc thiện) lớn thì mới có thể vãng sinh. (Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc - Không thể lấy chút ít phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi nước đó). Bởi cõi Cực lạc Tịnh độ của chư Phật là cõi có y báo, chánh báo trang nghiêm, chúng sinh phước đức vô lượng. Mà muốn có căn lành, gốc thiện lớn thì phải tu tập (niệm Phật - theo pháp môn Tịnh độ) và làm nhiều việc lành để tạo công đức phước báo. Các kinh Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ đều dạy người tu pháp môn Tịnh độ phải hiếu kính cha mẹ, sư trưởng, phải thọ trì Tam quy, Ngũ giới, thường đọc tụng kinh điển Đại thừa, phát Bồ-đề tâm, làm nhiều việc lợi ích cho chúng sinh để vun bồi công đức, hành giả phải phát tâm từ bi và nguyện lực rộng lớn khế hợp với tâm từ bi và nguyện lực của chư Phật, chư Bồ-tát.

Trong kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật cũng dạy, giữa hai người có sự tu tập như nhau, có đầy đủ giới định tuệ, nhưng sau khi thân hoại mạng chung thì người đã từng tu bố thí sẽ được sinh về cảnh giới có y báo, chánh báo ưu việt hơn, tốt đẹp hơn (Tăng chi bộ kinh II, chương V, phẩm Sumanà). Kinh nghiệm tu tập cũng cho thấy, người có tu tạo nhiều công đức phước báo khi hành đạo thường gặp nhiều thuận duyên, khi tu đạo mau thành tựu, tiến bộ hơn người ít tu tạo công đức phước báo.

Còn về phần định lực và tuệ giác (trí tuệ), chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự chênh lệch, bất đồng về căn cơ, trình độ giữa các hành giả, có sự mau chậm trong thành tựu quả vị, dù là cùng thầy, cùng pháp môn, cùng nỗ lực như nhau và cùng thời gian tu tập. Đó là vì sự học tập và tu trì trong quá khứ, có thể trong đời này hoặc trong những đời trước. Người nào có quá khứ đã từng trau dồi văn, tư, tu, thường gần gũi các bậc thiện hữu tri thức thì người đó có căn cơ, trình độ cao hơn, dễ dàng thành tựu hơn trong tu học. Đó là nhân quả chứ không có gì lạ.

Chúng ta thử nghĩ, tại sao trong kinh điển Nguyên thủy Đức Phật tự xưng mình là bậc A-la-hán, nhưng lại là một Đại A-la-hán? Các vị Tôn giả đệ tử Phật như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-na-luật… cũng đều là A-la-hán nhưng công phu tu tập và công đức phước báo, trí tuệ vẫn không bằng Phật. Trong vô lượng kiếp Đức Phật đã tu tập và tạo vô lượng công đức, phước báo, trở thành bậc phước trí nhị nghiêm, một bậc tối thắng hay một vị Phật. Giữa các vị A-la-hán đệ tử Phật cũng vậy, tuy đều chứng Tam minh, Lục thông, nhưng tại sao Phật lại bảo Tôn giả Xá-lợi-phất là vị trí tuệ đệ nhất, Mục-kiền-liên là vị thần thông đệ nhất, Tu-bồ-đề là vị giải không đệ nhất, A-na-luật là vị thiên nhãn đệ nhất… Tất nhiên là có sự khác biệt giữa các vị ấy.

Tóm lại, người tu Tịnh độ cần chuyên tâm niệm Phật, thực hành đầy đủ Tín, Hạnh và Nguyện, nhưng muốn mau thành tựu chí nguyện vãng sinh và vãng sinh phẩm vị cao thì không thể không trau dồi giới định tuệ, siêng năng tinh tấn đọc tụng, nghiên cứu kinh điển, phát tâm Bồ-đề và làm lợi ích chúng sinh.

Tịnh độ là thế giới của chư Phật và các bậc Bồ-tát, thượng thiện nhân, là cảnh giới thắng diệu, phải là bậc có công đức, phước báo lớn, có công phu tu tập siêu việt tam giới mới có thể sinh về. Tuy nhờ có Phật lực hộ trì, tiếp dẫn, nhưng nếu không có sự nỗ lực tự thân, không có công phu tu tập, không có sở đắc, thành tựu, không có giới định tuệ, tâm nguyện không vững vàng thì làm sao có sự tương ưng, làm sao có sự cảm ứng, làm sao vãng sinh? Đó là nhân quả xuất thế. Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và cả Phật giáo Phát triển đều có nói rõ, muốn thọ hưởng đời sống như thế nào, muốn sinh về cảnh giới nào đều có pháp môn tu tập tương ứng, không thể làm khác được.

Cũng cần nói thêm là, nếu việc tu tập để sinh về Tịnh độ lạc cảnh mà ở đây là thế giới của Phật A Di Đà quá dễ dàng, chỉ việc chuyên tâm niệm Phật A Di Đà là được, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đâu cần nhọc công dạy nhiều bài kinh, hơn 45 năm truyền bá giáo pháp.

Không có một pháp môn nào mà chỉ mình nó có thể giúp cho tất cả mọi đối tượng chúng sinh thành tựu giác ngộ, giải thoát, bởi vì chúng sinh “đa bệnh’ và chúng sinh này lại có những loại “bệnh” khác chúng sinh kia. Căn cơ, trình độ giữa các chúng sinh cũng khác. Và không phải chúng sinh nào cũng có nhân duyên với pháp môn Niệm Phật, mà không có nhân duyên với pháp môn đó thì khó có thể tu tập, thực hành theo, khó có được thành tựu. Nếu không tụng đọc, nghiên cứu kinh điển, không gần gũi cầu học nơi các bậc minh sư, các bậc thiện hữu tri thức thì làm sao phát triển sở học, sở tu, làm sao có cơ hội tìm đúng pháp môn tu cho mình?

Còn một điều quan trọng nữa là, nếu kinh điển không có người hoặc ít người nghiên cứu, Phật pháp không được truyền bá, không có hoặc ít người tu học, giảng giải, Tam tạng Thánh giáo không được lưu truyền thì Phật pháp sớm bị diệt vong. Khi chủ trương tu Tịnh độ không nên tụng đọc kinh điển, nghiên cứu Phật pháp, chỉ cần trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, chủ trương và quảng bá tư tưởng đó, vô tình trở thành người góp phần làm cho Phật pháp sớm diệt vong.

Tác hại khác của chủ trương chỉ niệm Phật cầu vãng sinh, không làm gì khác kể cả học tập Phật pháp và hành thiện tu phước là biến hành giả thành người vô ích đối với xã hội, không phát huy được giá trị lợi ích của Phật pháp đối với chúng sinh ở nhiều phương diện, làm sao kiến tạo được Tịnh độ nhân gian?

Tôi nhận thấy cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, một bậc thượng nhân trong Tịnh tông ở nước ta, cả đời chuyên tu niệm Phật và hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Ngài không chỉ niệm Phật, khuyên tu niệm Phật mà còn dịch kinh, viết sách, mỗi ngày đều tụng đọc, nghiên cứu kinh điển.

Các vị xuất gia đều có trình độ giáo lý, có rất nhiều vị giỏi cả ngoại điển lẫn nội điển, có khả năng làm được nhiều việc lợi ích cho đời, tuy nhiên vẫn luôn quan tâm việc tu học, chuyên tu theo đường lối Tịnh độ. Các tu sinh, hành giả đến đây tu tập đều được nghe giảng dạy Phật pháp, được thọ giáo với nhiều vị đạo sư giúp mình mở mang sở học, tiếp thu được những điểm đặc sắc của từng vị thầy, đồng thời có cơ hội chọn cho mình một phương pháp tu học phù hợp với bản thân. Theo tôi, đây là những tấm gương điển hình cho chúng ta về đường hướng tu tập pháp môn Tịnh độ.

Tin cùng chuyên mục