Cô đơn ban đầu là khi ta thấy có những "khoảng cách" với những người xung quanh, thậm chí những người thương mà trước giờ ta vẫn thường gần gũi, tin tưởng và chia sẻ. Vì càng đi sâu vào nội tâm mình, càng đối diện với những mong muốn, tốt đẹp, xấu xí... trong mình, ta càng rõ, chỉ có ta mới là người có thể, cần và thực sự hiểu thấu tâm của mình nhất.
Có những điều mà ta không thể nói được với ai, không phải vì ta không muốn chia sẻ với họ. Mà đơn giản chỉ là ta ngày càng rõ ràng, đây là những tâm tư chỉ riêng ta cần đối diện với chính ta.
Nhỏ nhiệm hơn của cảm giác cô đơn, đó là ngay cả chính những thứ mà ta đã từng trân quý và đồng hóa nó là mình, bỗng nhiên cũng rời ta mà đi mất: những quan điểm sống, những kết nối tình cảm, những tự hào về bản thân, những thói quen lặp lại, những sở thích, thú vui và cả những "thú buồn" thường ngày...
Nhưng có một điều nhiệm màu là, sau mỗi lần ta trải nghiệm, soi thấu tận cùng nỗi cô đơn ấy mà không còn sự can thiệp, níu kéo, cố giữ lại những điều "cỏn con" đang giới hạn trong cái thân tâm nhỏ bé này, tự nhiên ta sẽ thấy khoảng tâm trong ta được nới rộng và bản tâm chân thật - vốn rỗng rang - ngày một hiện sáng hơn.
Cứ như vậy, ta ghi nhớ những khoảnh khắc tâm trong lặng "sau cô đơn" đó lại. Từ đó, niềm tin của ta trên hành trình này ngày càng vững chãi, rằng tận cùng của cô đơn sẽ mở ra cánh cửa đi tới sự tự do trong tâm thức.
Niềm tin được củng cố như vậy, tự nhiên ta sẽ có đủ nội lực - là sự yên lắng - để chờ những nỗi cô đơn đi qua. Theo thời gian, những khoảng cô đơn ấy cứ ngày một ngắn lại, thay bằng sự nhẹ nhõm trong hơi thở, sự rộng mở nơi các giác quan và nơi nội tâm sâu thẳm - cho tới khi ta hoàn toàn sống thật yên nơi bản tâm vốn luôn tự do, không ràng buộc.