Ảnh minh hoạ.

Đức Phật khẳng định: Con đường trung đạo đưa đến sự giải thoát cho chúng sinh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đức Phật dạy chúng ta phải xa rời hai cực đoan: Thứ nhất là đắm say hưởng thụ lạc thú, những dục lạc thấp hèn thì không đưa đến giác ngộ. Thứ hai là hành thân hoại thể, khổ hạnh một cách cực đoan cũng không thể dẫn chúng sinh đi đến giác ngộ.

Do khổ hạnh cực đoan khiến sức lực không còn, Thái tử đã ngã quỵ; khi ấy Ngài được cô thôn nữ Sujata cúng dường bát sữa, các mạch máu cơ thể Ngài sau bao nhiêu ngày bị khô cạn gặp thức ăn bỗng hồi sinh. Ngài thức tỉnh, tim đập trở lại, khỏe mạnh tỉnh táo hơn, ngay giây phút ấy, Ngài nhận ra con đường tu đúng đắn là con đường trung đạo. Rồi Ngài ăn uống trở lại, đi khất thực, ngày ăn một bữa.

Sau khi cơ thể hồi phục trở lại, Thái tử đã xuống tắm ở dòng sông Ni Liên Thiền, Ngài thả bình bát xuống sông và phát nguyện sẽ đến chỗ cội Bồ đề để ngồi thiền định: “Nếu dưới cội cây kia, mà Ta đắc thành quả vị Chính Đẳng Giác, thì xin bát vàng này trôi ngược dòng sông. Bằng không thể đắc quả Phật, thì bát vàng này sẽ trôi xuôi”. Sau đó, Ngài chậm rãi thả chiếc bát xuống dòng sông. Chiếc bát từ từ trôi ngược dòng, được một lúc thì chìm hẳn.

Biết lời nguyện của mình sẽ thành tựu, Ngài từ bờ sông Ni Liên Thiền trở về cội cây Bồ đề, dũng mãnh phát lời thề nguyện: “Dù máu huyết khô cạn, dù chỉ còn gân, xương và da; Ta quyết không rời khỏi chỗ này nếu Ta chưa đắc thành quả Phật”. Sau đó, Ngài ngồi thiền, nhập định trong tư thế kiết già. Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề, đầy đủ túc duyên, đến đêm thứ 49 Ngài chứng được Tam minh, Lục thần thông và chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ đề.

Ngài đã đạt được mục đích của mình, Ngài biết rõ Ngài đã giải thoát thật sự, không còn một cái gì có thể trói buộc, làm khổ Ngài được nữa. Ngài nói: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa” . Đó chính là mục đích Ngài đặt ra, là chí thiện, là tối thượng Niết bàn. Chính Ngài chứng nghiệm, đạt được điều này không còn nghi ngờ gì nữa.

Đức Phật thực sự minh triết, Ngài nhận ra được và chỉ lại cho mọi người con đường trung đạo đệ nhất để đưa chúng sinh đi đến sự giác ngộ. Ngài dạy chúng ta phải xa rời hai cực đoan: Thứ nhất là đắm say hưởng thụ lạc thú, những dục lạc thấp hèn thì không đưa đến giác ngộ. Thứ hai là hành thân hoại thể, khổ hạnh một cách cực đoan cũng không thể dẫn chúng sinh đi đến giác ngộ. Đức Phật thực hành lối tu trung đạo từ thân cho đến tâm và con đường này mới dẫn đến sự giác ngộ.

Cho nên, hiện nay tất cả chư Tăng Ni, Phật tử có duyên lành đi theo Đức Thế Tôn chính là đi theo con đường trung đạo - Bát chánh đạo chính là con đường trung đạo. Con đường đó sẽ dẫn chúng ta đi đến chỗ diệt trừ khổ đau, đạt được giác ngộ giải thoát an vui, hạnh phúc, viên mãn.

Vì vậy, trên bước đường chúng ta đi, dẫu có gặp khó khăn trong tu tập hay trong cuộc sống, chúng ta hãy nhớ đến tấm gương tu hành của Ngài, nương tựa Ngài để từng bước vượt qua khó khăn, thành tựu thiện cầu của mình.

Tin cùng chuyên mục