Nếu làm thiện, mà chỉ biết chấp vào việc nào đó, người nào đó, quy tắc hay quan niệm nào đó mà mình cho là tốt, là đúng, rồi chống đối, phỉ báng hay sân si bác bỏ những điều khác mình không thích hoặc cho là sai, là xấu...Người làm thiện như thế chưa hẳn là thiện tri thức.
Còn người thiện mà ta gọi là tri thức thường họ luôn có cái nhìn khách quan, cái thấy cảm thông và thái độ điềm tĩnh. Họ ít khi nhìn vào người khác để bươi móc lỗi lầm hay chê bai. Họ ít khi đi nhòm ngó chuyện của người khác mà lấy ra thảo luận, đánh giá, cũng ít khi nói xấu ai để được lợi hay tạo uy tín cho mình, ít khi ngồi kể công kể quả để mong được tán dương ân sủng và cũng không lợi dụng uy tín của người khác để làm lợi hay tạo sự chú ý cho mình...
Ngay cả đối với bản thân, lúc vui, lúc buồn, lúc khó khăn hay lỗi lầm thì họ âm thầm tìm cách chuyển hoá. Đối với người, lúc thành công thì không vì thế mà họ ganh tỵ, lúc thất bại cũng không vì thế mà họ vui cười, khinh chê. Hoặc giả chúng ta có lỡ làm gì đó mà họ không vừa lòng thì chỉ lựa lời góp ý, khuyên can, im lặng cảm thông, hoặc ít nhất thì lờ đi trong lịch sự...
Tất cả điều đó, không phải vì chúng ta là người hoàn hảo, mà chỉ bởi họ là người biết tử tế và trân trọng chính bản thân mình, biết dành thời gian đời người cho những việc lợi lạc, chứ không để phí phạm cho việc thị phi nhân ngã, cuốn theo những điều không đem đến an lạc cho mình và người ở đâu đó ngoài kia. Đó chính là những biểu hiện của thiện tri thức vì họ luôn biết mình và có sự tu dưỡng bên trong nên hiểu người.
Còn những người không thật sự biết và hiểu mình thì họ thường hướng ngoại, dùng tư duy và cảm xúc tiêu cực của mình để đặt vào ngoại giới bằng sự bình phẩm hay phán xét, khen chê.
Có câu: "người biết thì không nói, người nói thì không biết”. Và điều đó hầu như lại phổ biến hơn trong thời buổi hiện nay.
Thường những người không biết rõ nhau, không biết rõ sự tình thì hay bàn tán xôn xao, góp lời thêm ý, như kiểu ngồi bên đông bàn chuyện bên tây, mà trong khi hạnh phúc và bình an từ thân, khẩu, ý của mình mới là nơi cần biết nhất thì thường bỏ quên.
Cho nên, khi tiếp xúc với mạng xã hội, quý vị đừng để cho những tin tức, hình ảnh ở đâu đâu phá vỡ sự bình an, tử tế và sáng suốt trong tâm ý mình. Đừng vội khen ai đó khi số đông nói đến và cũng đừng vội buông lời chê trách khi ai đó bị số đông phàn nàn.
Cuộc đời này quá ngắn để người ta dành cho hạnh phúc và bình an, nên ai biết quý cuộc đời thì đâu có thời gian mà theo những điều làm cho mình thêm ô nhiễm. Trong các mối liên hệ, gia đình, bè bạn, đồng nghiệp hay tình yêu...nếu không đủ duyên để chia sẻ, thấu hiểu và đem lại điều tốt đẹp cho nhau, thì ít nhất là im lặng và rời đi trong âm thầm để thôi tạo thêm nghịch duyên và phiền não cho nhau.
Trong xã hội bên ngoài cũng thế, khi dành thời gian để tiếp thu, học hỏi thì nên lấy thân tâm mình làm chủ, cảnh là để chiếu soi xem mình khởi lên niệm gì mà tỉnh giác và điều chỉnh sao cho đúng đắn và lợi lạc. Điều gì cần tránh xa thì nên tránh để bớt nhiễm ô, người Phật tử khác người thế gian là ở chỗ biết chánh niệm trong thân, khẩu, ý khi đối diện pháp trần để bớt tạo nhân quả xấu, dù là môi trường công nghệ thông tin hay môi trường cuộc sống.
Thời gian hầu hết của những người biết thực hành pháp là tiếp xúc cảnh mà quán chiếu mình chứ không ai nhìn cảnh để phán xét và tạo nghiệp bao giờ. Nếu đâu đó ngoài kia, người ta đang nháo nhào lên khi có những chuyện không liên quan gì tới thân tâm, tới sinh tử, khổ đau và an lạc cho mình cho người, rồi tạo ra sân si và ác khẩu, mà chúng ta không thể giúp họ nhìn đúng sự thật thì nên khởi tâm từ bi và để họ tự học lấy bài học nhân quả của chính mình. Họ cũng là người đang mê mờ trong tư duy và cảm xúc, khi đem những tâm tư đầy phóng dật mà góp cho đời thì chỉ thêm ồn ào và rối rắm
Mong rằng pháp trần chính là duyên giúp cho mỗi người phát triển sự định tĩnh, có chánh kiến và nhìn mọi thứ với ánh nhìn trí tuệ, cảm thông. Đừng theo ai đó vì số đông khen tặng và cũng đừng ghét ai đó vì số đông chê trách. Chân lý thường không dành cho số đông. Tất cả khái niệm khen chê, tốt xấu, đúng sai... nó chỉ là tương đối. Chỉ có sự thay đổi, thịnh suy là Sự Thật. Có thể hôm qua họ xấu nhưng hôm nay họ đã tốt và ngược lại. Có thể cùng sự việc ấy nhưng hôm qua là tốt đẹp nhưng hôm nay thì bình thường.
Người tỉnh thức luôn nhìn dòng chảy ấy một cách điềm nhiên không thêm phán xét, đó mới là cách học tập khôn ngoan của người học Phật. Nếu biết tỉnh giác khi tiếp xúc cuộc đời thì mỗi người đều có khả năng trở thành thiện tri thức cho chính mình chứ không phải tìm đâu khác. Chúc quý vị tỉnh giác và an nhiên giữa dòng đời.
Thật khó lắm thay một kiếp người
Đừng đem phí phạm tuổi đôi mươi
Đắm chìm trong cuộc cờ dâu bể
Để tuổi hoàng hôn vắng nụ cười !