Một người sáng suốt, người ấy nhìn giàu có vật chất, bao gồm quyền lực chính trị, chỉ là một điều kiện để có thêm chọn lựa.
Nhân loại, qua bao nhiêu thế hệ, qua bao nhiêu biến đổi xã hội và văn hoá, giàu có vẫn luôn là mục tiêu lớn. Ở mức độ cá nhân cũng như mức độ tập thể, người ta còn thấy giàu có đồng nghĩa với thành công. Nhưng phần lớn người ta chỉ biết tới giàu có vật chất, mà ít ý thức được giàu có tinh thần.
Theo đó, người ta không biết giàu có tinh thần là nền tảng của giàu có vật chất. Giàu có vật chất chỉ như phần thân cây, dễ nhìn thấy. Ít người nhìn sâu để hiểu phần giàu có tinh thần, phần rễ cây khó nhìn thấy, mới quyết định phần thân cây.
Một thân cây dù to lớn thế nào, nếu rễ cây bệnh, thân cây ấy có thể chết mà không báo trước. Giàu có vật chất dù nhiều thế nào, nhưng nếu không có giàu có tinh thần nuôi dưỡng, giàu có vật chất cũng sẽ tan biến không báo trước.
Đức Phật nói: “Người có kho báu lớn, để dành dưới giếng sâu, nhưng nếu phước đức tận, tất cả sẽ tiêu tan. Mất mùa, tai nạn, con hư, cướp doạ, chiến tranh và nhiều nguyên nhân không ngờ tới khác có thể làm biến mất kho báu.
Có bố thí, có trì giới, có thiền định và có trí tuệ mới là kho báu khéo để dành, không bao giờ mất. Công đức phước nghiệp của bố thí, trì giới, thiền định và trí tuệ là một kho báu lớn. Người có kho báu này có thể thoả mãn mọi ước vọng nhân thiên. Dù người ấy mong muốn gì, tất cả đều đạt được”.
Ngoài ra, khi nhìn sâu, người giàu có vật chất không có nghĩa là người có hạnh phúc. Trong nhiều trường hợp, giàu có vật chất còn là một chướng ngại cho tự do và hạnh phúc. Một khi lòng tham gắn kết với giàu có vật chất, chiến tranh, thù hận và vô số bất ổn cá nhân và xã hội khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một người sáng suốt, người ấy nhìn giàu có vật chất, bao gồm quyền lực chính trị, chỉ là một điều kiện để có thêm chọn lựa. Người ấy hiểu giàu có vật chất đến đâu hay quyền lực đỉnh cao thế nào cũng phải bỏ lại khi chết.
Công đức phước nghiệp của bố thí, trì giới, thiền định và trí tuệ mới là giàu có và quyền lực đích thực xuyên kiếp sống. Người ấy sẽ biết sử dụng vật chất và quyền lực hiện có ở đâu và như thế nào cho mình và người. Người ấy không còn bị động và lệ thuộc vào những giàu có vật chất trong hiện tại. Người ấy biết đủ, từ ái và tự do.