Hòa thượng Thích Hiển Tu – Chân dung bậc Long tượng Phật giáo

Hòa thượng Thích Hiển Tu – Chân dung bậc Long tượng Phật giáo

0:00 / 0:00
0:00

Hòa thượng Thích Hiển Tu – bậc Long tượng thạch trụ thiền gia của Phật giáo Việt Nam hiện đại đã theo gương các bậc Tổ đức trong sứ mệnh phụng sự chúng sanh.

Các bậc cao tăng như Thiền sư Vạn Hạnh, Phật hoàng Trần Nhân Tông,… đã hiến dâng hoa đời hương đạo, xiển dương chánh pháp. Tiếp nối dòng lịch sử ấy, Hòa thượng Thích Hiển Tu – bậc Long tượng thạch trụ thiền gia của Phật giáo Việt Nam hiện đại đã theo gương các bậc Tổ đức trong sứ mệnh phụng sự chúng sanh.

Từ vùng đất Đồng Khởi - Bến Tre anh hùng

Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, thế danh Nguyễn Tấn Hưng, sinh năm 1921 tại làng Tân Thủy, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngài là con thứ trong gia đình trung nông có hai chị em, nhiều đời kính tin tam bảo. Chưa tròn 5 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, phải ở với bà ngoại, ngài thường xuyên đến chùa và được Hòa thượng Vĩnh Tấn – trụ trì chùa Kiển Phước – nhận làm dưỡng tử. Khi lên 7 tuổi, ngài chính thức xuất gia, pháp danh Thiện Duyên, hiệu Nhựt Quang, tự Hiển Tu thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 41.

Nhờ tư chất thông minh, cần mẫn, dù nhỏ tuổi nhưng ngài đã được bổn sư cho tham học Kinh Luật Luận và nghi lễ ứng phú đạo tràng với các bậc cao tăng như Hòa thượng Khánh Thông, Hòa thượng Vĩnh Tồn (chùa Toàn Phước), Hòa thượng Vĩnh Huệ, Hòa thượng Vĩnh Đạt (chùa Bửu Sơn), Hòa thượng Vĩnh Pháp (chùa Linh Phước) tại Bến Tre. Năm 1944, Hòa thượng đăng đàn thọ đại giới tại Trường kỳ Giới đàn chùa Bửu Sơn, Ba Tri (Bến Tre), do tổ Khánh Thông khai kỳ cùng các bậc cao Tăng chứng minh giới đàn. Từ đây, Ngài được dự vào hàng Chúng Trung Tôn, nhận trọng trách “sứ giả Như Lai” dấn thân vào cuộc đời để “tự độ, độ tha”. Chính quãng thời gian tham học các lớp gia giáo Phật pháp với các bậc cao Tăng thạc đức đã tạo thành nền tảng, giúp ngài vừa tinh thông nội điển Phật giáo, vừa giỏi nghi lễ ứng phú.

Vì sớm thấm nhuần truyền thống tu học quy củ thiền môn, sau này tuy đa đoan Phật sự, Hòa thượng vẫn luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục Phật giáo. Trong suốt mấy chục năm hành đạo, Hòa thượng luôn gần gũi Tăng Ni, Phật tử, cố gắng giúp đỡ khai mở và duy trì các lớp Phật pháp cho mọi tầng lớp, phát tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho lớp sơ cấp Phật học Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Suốt 30 năm qua, hàng trăm thế hệ Tăng Ni trẻ trưởng thành đã và đang hành đạo khắp đất nước, gánh vác Phật sự địa phương.

Hòa thượng Thích Hiển Tu – Chân dung bậc Long tượng Phật giáo ảnh 1

Hương đạo ngát đời

Sau năm 1945, thực dân Pháp trở lại tái chiếm Nam Kỳ, với tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, ngài đã tham gia Mặt trận Việt Minh, ra chiến khu vùng bưng Thạnh Phú (Bến Tre), sau đó hoạt động bí mật tại chiến khu tỉnh Sông Bé. Tuy là chiến sĩ cách mạng, nhưng thân tâm vẫn là một tu sĩ tự thân nỗ lực tu trì, giới hạnh trang nghiêm, gìn giữ đạo tâm.

Năm 1951, chiến sự tạm lắng dịu. Hòa thượng trở về trú tại chùa Khánh Vân (xã Hiệp Hưng, Ba Tri) đảm nhiệm Phó Trụ trì và tham gia tổ chức Phật giáo Cứu quốc. Hai năm sau, Hòa thượng Vĩnh Tồn – Trụ trì chùa Toàn Phước (Ba Tri) bị giặc Pháp tra tấn đến hy sinh, Hòa thượng Hiển Tu đảm nhiệm chức Trụ trì, gìn gi giữ sơn môn, phát huy truyền thống Phật giáo và dân tộc.

Năm 1958, Hòa thượng tham dự các khóa An cư kiết hạ tại Sài Gòn và theo học khóa “Như Lai sứ giả” ở chùa Pháp Hội (Chợ Lớn) do Hòa thượng Thiện Hòa,Hòa thượng Thiện Hoa của Phật học đường Nam Việt tổ chức. Với sở học nội điển được tích lũy từ trước và sự cần mẫn, sau ba tháng kiết đông của khóa “Như Lai sứ giả” Hòa thượng được bổ nhiệm làm Trụ trì nhiệm kỳ 3 tháng tại chùa Vạn Đức (Sóc Trăng). Khi mãn nhiệm kỳ, Hòa thượng được cử đặc trách Tăng sự, kiểm tra các tự viện ở Sài Gòn – Gia Định. Năm 1962, Hòa thượng được Hội Phật học Nam Việt thỉnh mời đảm nhiệm Phó Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi – một trong những trung tâm đầu não lãnh đạo Phật giáo Việt Nam bấy giờ.

Trong pháp nạn năm 1963 , Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức lãnh đạo phong trào đấu tranh hòa bình của Tăng Ni, Phật tử phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau khi cuộc đấu tranh thành công, Hòa thượng từ giã chùa Xá Lợi, trở về hành đạo tại quê hương Bến Tre, xây dựng Phật giáo nơi đây. Giai đoạn 1966-1975, Hòa thượng được suy cử Chánh Đại diện Phật giáo Lục Hòa Tăng tỉnh Kiến Hòa. Khi đất nước thống nhất, ổn định Phật sự địa phương, Hòa thượng xin nhường lại chức vụ lãnh đạo để vân du khắp miền Tây Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, thuyết giảng Phật pháp, giao lưu các pháp hữu đồng đạo.

Năm 1979, khi đã 56 tuổi, Ngài lại được cung thỉnh trở về làm Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi. Từ đây, Hòa thượng dốc hết tâm sức tiếp chúng độ sanh, gắn bó Phật sự của Phật giáo Quận 3 và Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ 9 tổ chức Giáo hội, Hòa thượng là một nhân tố trung gian cho sự hòa hợp các tổ chức Phật giáo.

Năm 1988, Hòa thượng được Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bổ nhiệm làm Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với uy tín, Hòa thượng được suy cử đến chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự ,Trưởng ban Nghi lễ Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Quận 3, Chứng minh Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam . Năm 2007, Hòa thượng được cung thỉnh lên hàng Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần VII năm 2012, Hòa thượng được cung thỉnh lên hàng Giáo phẩm Trưởng lão và suy tôn Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về mặt xã hội, Hòa thượng là một trong những vị tôn đức Phật giáo có uy tín và ảnh hưởng lớn với quần chúng. Chùa Phật học Xá Lợi trong thời kỳ lãnh đạo của ngài vẫn duy trì là một trong những trung tâm tu học lớn của Thành phố Hồ Chí Minh nơi sinh hoạt giáo lý hàng tuần của tín đồ Phật tử, song song các hoạt động hoằng pháp thường kỳ như: Giảng pháp, Khóa tu Bát quan trai, gia đình Phật tử, tiếp đón đoàn Phật giáo các nước giao lưu. Hòa thượng đã kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, nhưng dù ở cương vị nào, ngài cũng có nhiều đóng góp Phật sự quan trọng cho Giáo hội, với tinh thần “tùy duyên bất biến”.

Dù đã tròn 100 tuổi, ngài vẫn minh mẫn, âm thầm hỗ trợ và phát triển Phật sự. Trong ngày Khánh tuế bách niên, Hòa thượng truyền đạt rằng: “Sống đến tuổi 100 như hôm nay là nhờ ân đức của chư Phật, chư Tổ, sự kính mến của Tăng Ni, Phật tử. Theo tôi, việc tổ chức khánh tuế có thể làm phiền và khiến hao tốn tài lực của đại chúng nhưng vì muốn giúp hàng Phật tử gieo duyên, tăng sự kính tin nơi Tam bảo, tôi chấp thuận việc tổ chức này của chư Tăng chùa Xá Lợi”.

Đó là lời vàng ý ngọc của bậc Long tượng cốt cách, của bậc tri túc, dù đức cao đạo sáng vẫn khiêm cung thủ ý!

Tin cùng chuyên mục