Khi lòng tham vượt lên cả nỗi sợ

Khi lòng tham vượt lên cả nỗi sợ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sống theo chánh nghiệp, chúng ta sẽ không chạy theo dục vọng cá nhân, tham quyền đoạt chức, vơ vét túi riêng cho cá nhân và gia đình mình, trong đó có việc đưa tới việc phạm giới trộm cắp, lấy của người khác hay của công làm của mình là nguyên nhân của tham nhũng vặt hoặc lớn hơn là biển thủ công quỹ...

Vàng hay thuốc độc ?

Trong vở kịch Romeo và Juliet của Shakespeare, có một cảnh tả Romeo đi mua thuốc độc, khi nhận thuốc, chàng đã nói với người bán: “Đây là vàng (ta trả cho ngươi), nhưng nó mới chính là thuốc độc và là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết hơn thứ thuốc ta mua. Chính ta mới bán thuốc độc cho ngươi!”.

Và thứ thuốc độc ấy đã ám ảnh tâm trí bao con người hôm nay, tàn phá lương tâm, đạo đức và cả hệ thống quản lý hành chính theo những hướng “có lợi” cho người có quyền chức. Nó cũng gây tác hại đến đạo đức kinh doanh khi doanh nghiệp sẵn sàng làm những điều phi pháp vì có sự bao che và liên thông với quyền lực.

Từ năm 2015 đến nay, các án ra tòa đều có quy mô từ lớn đến rất lớn. Nếu trước đó những án chỉ liên quan đến vài chục tỷ hay trăm tỷ thì bây giờ con số trong những vụ Vinashin, Vinalines, Gang thép Thái Nguyên đã lên đến gần một trăm nghìn tỷ. Gần đây, vụ Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm cho các tỉnh thành trong đại dịch Covid-19 thu gần 4.000 tỷ đồng hay vụ chuyến bay giải cứu tiền thâm lạm cũng hàng nghìn tỷ, rồi vụ FLC và… mới nhất, vụ án TML với quy mô thất thoát vài trăm nghìn tỷ khi bà đã rút khỏi ngân hàng SCB cả triệu tỷ! Còn những vụ nằm chờ như THM hay Dr.Thanh cũng khoảng nghìn tỷ…

Nguyên nhân từ đâu ?

Rất nhiều quan chức từ trung ương đến địa phương khi phải hầu tòa đều thú nhận mình đã buông lỏng quản lý, bao che tội phạm. Riêng về sự sụp đổ các tập đoàn, Trần Ngọc Thơ trong một bài viết cách nay 6 năm đã nói về vấn đề này:

“… Một thực thể được tạo lập bằng mệnh lệnh hành chính cao độ với mong muốn cho ra đời hàng loạt quả đấm thép, nhưng cũng chính vì thế mà tồn tại quá nhiều dị bệnh bẩm sinh. Đã vậy, lực lượng này còn thâu tóm hầu hết nguồn lực quốc gia, chinh chiến từ trong nước ra đến nước ngoài với thất bại hầu như đã được dự báo. Thất bại thấy trước này còn đến nhanh hơn khi các tập đoàn lại được phép hình thành các ngân hàng và công ty tài chính thế hệ mới.

Hệ thống ngân hàng thế hệ mới này chẳng những hủy hoại các nền tảng của ổn định kinh tế vĩ mô mà còn để lại những đại án ngân hàng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều nguy hiểm nhất. Rủi ro lớn nhất là các tập đoàn như được trao thêm một quyền lực siêu nhiên khi được phép thực hiện các nhiệm vụ chính trị, dù đã có những khuyên can của các chuyên gia và tổ chức quốc tế lúc đó. Những thất bại của các tập đoàn vì thế trong thời gian dài luôn bị lấp liếm bởi những lý do mờ ảo về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Nhà nước”. (Các đại án tập đoàn kinh tế - ngân hàng: Hệ quả tất yếu của việc nhân bản hàng loạt, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 6-1-2018).

Kinh tế thân hữu chi phối

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong một khảo sát đối với doanh nghiệp tư nhân, thì có đến 73% trả lời rằng chính quyền có ưu ái doanh nghiệp tư nhân sân sau. Họ đã tạm định nghĩa “doanh nghiệp sân sau” là một hình thức để các quan chức trong bộ máy nhà nước kinh doanh kiếm lời thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu, hoặc không nắm giữ sở hữu nhưng có quan hệ chi phối, tác động hay hỗ trợ để được chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hay từ các dự án, thương vụ cụ thể. Trong nhiều trường hợp, có sự tham gia, phối hợp có tính hệ thống và tổ chức của cả nhóm quan chức một ngành hay liên ngành, thậm chí cả một cơ quan nhất định.

Đây chính là biểu hiện mà có người gọi là crony economy (kinh tế cánh hẩu) hay “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, nếu lan rộng, sẽ làm suy thoái hay méo mó sự phát triển kinh tế của cả quốc gia. Điều này khiến cho việc minh bạch trở nên khó khăn hơn.

Lương tâm chức nghiệp

Chúng ta nhớ câu chuyện Socrates được hỏi kẻ làm sai có nên trừng trị không. Ông trả lời rằng cần phải trừng trị đúng mực, nếu không, thoát lưới pháp luật, làm sao ăn ngon ngủ yên nếu lương tâm cắn rứt. Nhưng liệu lương tâm những người có trách nhiệm trong tai họa này còn đủ sự xấu hổ để cắn rứt không? Làm sao chúng ta có thể hy vọng vào việc họ làm chuyện tử tế vì muốn làm chứ không vì sợ ai đó đánh giá hay vì sự giám sát của người khác; như dừng xe trước đèn đỏ là vì tôn trọng luật chứ không phải vì có ông công an. Tôi từ chối nhận phong bì vì tôi không chấp nhận việc ấy theo suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của phục vụ, hay vì tôi không muốn phạm “trộm cắp” theo giới cấm nhà Phật.

Có lần nói về văn hóa biết xấu hổ, người viết đã đề cập: “… chúng ta đang đối diện với sự tha hóa tâm hồn”. Đó là tham nhũng lớn, còn “tham nhũng vặt”, vấn đề nhân dân rất kêu ca mà Thủ tướng đã phát biểu là “… thói xấu cần phải lên án, phải vận động, giám sát, không để xảy ra tình trạng đến bệnh viện, trường học, đi xin việc hay việc này việc khác phải phong bì phong bao không lành mạnh”. Nói như Luigi Pirandello: “Lương tâm chính là kẻ khác ngồi tận đáy lòng ta”.

Theo quan điểm biện chứng của đạo đức học thì lương tâm là ý thức trách nhiệm và tình cảm đạo đức của cá nhân về sự tự đánh giá những hành vi, cách cư xử của mình trong đời sống xã hội. Ý thức về cái cần phải làm do sự sợ hãi bị trừng phạt bởi thiết chế xã hội hoặc ý niệm tâm linh hay cần phải tránh vì xấu hổ trước người khác và trước dư luận xã hội.

Với nhà Phật, đó là tàm và quý. Tàm, quý đều là tâm hổ thẹn với các điều tội lỗi, xấu xa mà mình đã tạo ra. Khi con người làm những điều xấu, độc ác thì lương tâm cắn rứt. Trái lại khi cá nhân làm những điều tốt, cao thượng thì lương tâm thanh thản.

Làm sao khắc phục ?

Phải tuân thủ nguyên tắc “thể chế hóa, minh bạch hóa, công khai hóa” mọi thủ tục, đường lối, không có tình trạng che giấu thông tin. Và trên hết phải để người dân giám sát, phát huy dân chủ cho đến từng thôn xóm, từng xí nghiệp…

Một số vị lãnh đạo cao cấp yêu cầu tất cả các cấp đồng lòng vào cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa… cần nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là nêu gương của người đứng đầu. Trên nghiêm mới nói được dưới, dưới sợ không dám làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lo một mối lo hơn giặc ngoại xâm, đó là sự hư hỏng của cán bộ, nên đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, chỉ rõ: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải… làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác… Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”.

Chúng ta cần rạch ròi quyền lợi và quyền lực để tránh rối rắm cho sự vận hành của guồng máy hành chính công vì một khi đồng tiền hay lợi ích nhóm thống trị những quan hệ cương thường… biến tất cả mạng lưới thành những ê-kíp khép kín, mọi công trình thành những cú áp-phe, biến công vụ thành “chùm khế ngọt”! Đúng như luật gia Acton cảnh báo: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.

Thế nên, thiết nghĩ cần phải có hệ thống hay những thể chế phù hợp mà trong đó có sự giám sát của nhân dân, hay của các tổ chức xã hội dân chủ, và của các cơ quan tư pháp hay lập pháp. Xây dựng văn hóa cách chức và nhất là từ chức. Bởi đó là đạo đức, là lòng tự trọng chứ không phải sợ mất đi quyền lợi như quan niệm hiện nay. Nếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm có nghĩa là dung túng, vô tình hay cố ý. Nêu cao phẩm giá người làm quan, mà phẩm giá suy cho cùng là lương tâm hay cái thiện.

Theo nhà Phật, tham lam là một trong ba độc tố hủy hoại nhân cách. Lòng tham đó chẳng hề có điểm dừng, vô độ, càng được càng tham. Tham cho mình, rồi tham cho cả bà con quyến thuộc của mình, rộng ra cho xã hội hay cho đất nước mình, nên cũng vì lòng tham, mà xã hội nhiễu nhương, thế giới xảy ra chiến tranh, giết hại lẫn nhau. Phật khuyên con người phải biết “thiểu dục tri túc”, bớt ham muốn và biết đủ, thực hành một đời sống giản dị, thanh cao và an toàn vì biết hài lòng với những gì mình đã có. Nếu cao hơn, bỏ dần lòng tham đi để đạt tới được “vô tham”.

Ở đời có nhiều thứ, nhưng tạm gọi là 5 món mà người ta thường ham muốn nhất, đó là: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. “Ngũ trần dục lạc” ấy, thật ra, vui ít mà khổ nhiều, là những nguyên nhân ràng buộc kiếp người vào khổ đau.

Đức Phật dạy rằng:

Giàu sang, tài sản dồi dào

Chỉ làm hại được kẻ nào ngu thôi,

Dễ gì hại được những người

Đang cầu giác ngộ hướng nơi Niết-bàn,

Chỉ vì ham muốn giàu sang

Kẻ ngu tự hại bản thân đã đành

Hại thêm cả kẻ xung quanh.

(Pháp cú 355)

Và Ngài đã từng nhấn mạnh:

Các ngươi nên biết rõ rằng

Dễ gì chế ngự việc làm ác đâu

Tham lam, tội lỗi hố sâu

Kéo ta xuống chốn khổ đau đời đời.

(Pháp cú 248)

Chánh nghiệp (Sammā kammanta) là hành động chân chánh nhằm tạo ra quả lành, không tạo nghiệp ác. Chánh nghiệp là pháp tu thứ tư trong Bát chánh đạo thuộc nhóm giới đức nhằm kiểm soát thân. Hành động có tác ý là nghiệp, sẽ sanh ra quả báo ví như bánh xe lăn theo dấu chân con bò. Căn bản của chánh nghiệp là lòng từ bi nên không gây tổn hại, không lấy của người và giữ đời sống trong sạch. Người sống với chánh nghiệp vừa rèn luyện đức hạnh chính mình, vừa tạo hòa bình, an vui cho kẻ khác. Người có chánh nghiệp là người sống trong bình an, không lo sợ. Người không có chánh nghiệp khó nghiêm trì giới luật vì bị tâm tham, sân, si lôi cuốn.

Sống theo chánh nghiệp, chúng ta sẽ không chạy theo dục vọng cá nhân, tham quyền đoạt chức, vơ vét túi riêng cho cá nhân và gia đình mình, trong đó có việc đưa tới việc phạm giới trộm cắp, lấy của người khác hay của công làm của mình là nguyên nhân của tham nhũng vặt hoặc lớn hơn là biển thủ công quỹ, chiếm đoạt tài sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Còn nếu tự hào là người cách mạng thì phải biết tu dưỡng trọn vẹn (như cha ông ta ngày xưa gọi là “Chính kỳ sở mệnh”, tự mình gột rửa, vượt qua chính mình (thắng nhân), vượt qua những ham muốn thấp hèn, không bị mờ mắt vì tiền tài, danh vọng; biết giới hạn lòng tham của mình trong vòng đạo đức và luật pháp.

Phẩm giá ấy đòi hỏi người làm lãnh đạo, cán bộ phải sống với những điều mình tâm huyết với lý tưởng lúc ban đầu, sống đúng và sống thực, luôn tinh tiến trong công việc, thức tỉnh trước mọi cám dỗ, trọn vẹn với xã hội (tận kỳ sở năng thì mới toại kỳ sở nhu). Có như thế mới lãnh đạo, hướng dẫn nhân dân, kiến lập văn minh trong cộng đồng xã hội. Ngoài ra, còn phải tôi luyện ý chí trước mọi trở ngại một khi quyết định sống vì dân và cho dân, rèn luyện khả năng giải quyết công việc vì cái chung, vì lợi ích số đông… Đó chính là bước đầu tiên của hành trình lấy lại lòng tin nơi nhân dân, vốn cần thời gian lâu dài và không đơn giản.

Nhưng với quyết tâm và có những tiến trình cụ thể, chúng ta hy vọng hành trình ấy sẽ bắt đầu ngay từ hôm nay. Nếu không, sẽ là quá muộn!

Cùng chuyên mục