Khi làm bất cứ việc gì, ta cũng phải làm một cách rõ ràng, sáng suốt. Khi đã thấy một cách rõ ràng, thì chẳng cần phải chịu sức ép của mình nữa. Bạn thấy khó khăn và tự mang gánh nặng vào mình vì bạn quên mất một điều, đó là quên chánh niệm sáng suốt.
Sự bình an chỉ đến khi bạn làm công việc trên đời trọn với cả thân tâm của mình. Việc gì chưa được làm trọn vẹn khiến cho bạn cảm thấy không hài lòng. Sự không hài lòng này sẽ theo bạn và làm khổ bạn dầu bạn đi đến bất cứ nơi nào. Bạn muốn hoàn tất mọi chuyện, nhưng đó là điều không tưởng. Không thể nào hoàn tất mọi chuyện được.
Hãy lấy trường hợp các thương gia thường đến đây thăm tôi. Họ nói: "Bạch sư, khi nào con trả xong nợ, mọi việc thu xếp ổn thoả con sẽ đến tu”. Họ nói như vậy, nhưng biết đến khi nào thì họ mới trả hết nợ và thu xếp xong hết công việc của mình?
Chẳng khi nào họ xong được, họ dùng nợ mới để trả nợ cũ, vừa thanh toán món nợ này họ lại vay món nợ khác. Họ nghĩ rằng khi họ hết nợ họ sẽ an vui hạnh phúc, nhưng không khi nào họ hết nợ. Đó là đường lối mà thế gian làm cho chúng ta mê lầm. Chúng ta cứ chạy quanh như vậy mãi mà chẳng hề thấy hoàn cảnh đáng thương của mình.
Lạm bàn:
Vòng quay của thế gian cứ dẫn người ta từ mê lầm này vào mê lầm khác mà họ không chịu tỉnh thức để thoát ra.
Như điển hình ở vườn thiền An Bình, vì địa thế khá đặc biệt, những Phật tử có sự tu tập thì ở quá xa không thể đến làm công quả được. Tôi đành phải kêu những người quen với địa thế ở đó để làm vườn mỗi khi có duyên sự. Họ làm như những bóng ma chạy theo tư dục, hối hả và hấp tấp.
Họ tính toán trong từng chút từ thời gian và công việc. Mục tiêu của họ đặt ra là làm nhanh để lấy tiền. Không biết để tâm trong từng hành động, không ý thức mỗi tư duy, thái độ và việc làm đều đem tới những ảnh hưởng cho chính bản thân mình. Họ chỉ lấy tiền làm động cơ phấn đấu, không quan tâm những giá trị khác về mặt tâm linh hay phúc lạc lâu dài.
Họ không thể nào hiểu được giáo pháp ở ngay việc làm của họ. Thay vì họ làm bằng một cái tâm trọn vẹn, tỉnh thức, cống hiến, với một thái độ có tu tập, thì phước và những lợi lạc họ nhận lại sẽ được nhiều hơn những gì họ đạt được từ sự tính toán hẹp hòi ấy.
Nhưng biết sao được, cảnh giới tâm thức và tập nghiệp mỗi người. Đó là bệnh trầm kha của người đời. Họ không biết thương mình nên mãi làm nô lê cho những tham dục của mình đặt ra và chết dần trong ấy.