Sống đẹp bắt đầu từ những điều giản dị
Ta từng nghĩ sống đẹp là phải làm những việc lớn lao, phải giúp thật nhiều người, phải tạo nên điều gì đó khác biệt.
Nhưng càng học Phật, ta sẽ càng hiểu rằng sống đẹp không nằm ở điều to tát, mà hiện diện trong từng hành động nhỏ mỗi ngày.
Buổi sáng, ta dành thời gian quét dọn bàn thờ Phật, thắp một nén hương, chắp tay cầu nguyện: “Mong cho con và mọi người đều sống thiện lành, an vui.” Chỉ một khoảnh khắc tĩnh lặng ấy cũng đủ để tâm hồn bắt đầu một ngày mới với sự nhẹ nhàng.
Ra đường, ta cố gắng giữ nụ cười trên môi. Trong mỗi hành động như khi ta nhường đường cho một cụ già dắt xe đạp qua phố đông. Cụ quay lại, nhìn tôavà cười, nụ cười ấy sẽ khiến lòng ta ấm áp suốt cả ngày.
Giữ lời nói và hành động từ ái
Lời nói là điều ta phải luôn nhắc mình cẩn thận. Trước đây, ta dễ nóng giận và buông những lời vô tâm, làm người khác tổn thương. Nhưng giờ, mỗi khi cảm thấy cơn giận bùng lên, ta nên cố gắng hít thở thật sâu và nhắc nhở bản thân: “Lời nói từ ái là một phần của sống đẹp.”
Trong công việc, ta nhận ra người bạn đồng nghiệp đang buồn vì áp lực công việc. Thay vì phớt lờ như trước, ta có thể lặng lẽ đặt tay lên vai cô ấy, hỏi han vài câu. Và ta sẽ không ngờ rằng, điều nhỏ bé ấy lại giúp cô ấy bật khóc và giải tỏa được những tâm sự.
Là Phật tử, ta học cách làm việc thiện mỗi ngày, không chỉ để tích đức, mà còn để làm nhẹ lòng mình. Ta bắt đầu ăn chay mỗi tháng vài ngày. Ban đầu, ta sẽ nghĩ đó là sự hy sinh, nhưng càng ăn, ta lại càng nhận ra rằng đây là cách để nuôi dưỡng lòng từ bi, để thấy mình gắn bó hơn với mọi loài.
Ra bên ngoài, ta đi chợ và thấy một cụ bà bán rau giữa trưa nắng. Rau của bà không tươi như những quầy khác, nhưng vẫn mua một mớ. Vì ta biết rằng, chỉ vài chục ngàn đồng chẳng là gì với mình, nhưng có thể giúp bà có thêm chút thu nhập và niềm vui trong ngày.
Sống đẹp là sống tỉnh thức
Phật dạy rằng hạnh phúc không nằm ở những gì bên ngoài, mà đến từ sự tỉnh thức trong tâm. Ta phải cố gắng sống chậm lại, không vội vàng, không chạy theo những tham vọng. Khi làm việc, ta tập trung làm hết mình; khi ăn, ta nhai từng miếng thật chậm; khi gặp khó khăn, ta học cách chấp nhận thay vì oán trách.
Mỗi tối, trước khi đi ngủ, ta ngồi trước bàn thờ Phật, nhắm mắt, lắng lòng lại và nghĩ về những gì đã làm trong ngày. Có điều gì mà ta làm chưa tốt không ? Có ai đó mà ta đã vô tình làm tổn thương không ? Nghĩ như vậy không phải để trách mình, mà để nhắc nhở bản thân ngày mai sống đẹp hơn, thiện lành hơn.