Trong cuộc sống điều làm ta đau khổ nhất là phiền não, đoạn trừ phiền não là một trong những lời nguyền của hàng đệ tử Phật chúng ta. Trong bốn hoằng thệ nguyện, lời nguyện phiền não nằm ở nguyện thứ hai. Phiền não làm cho ta chìm đắm trong luân hồi sinh tử. Phiền não làm cho ta mất hết tất cả công đức. Một tàn lửa của sân hận phiền não khởi lên thì đốt cháy tất cả rừng công đức. Phiền não phát khởi trong lòng, phát khởi ra miệng đánh tan bao công đức tu hành. “Ba năm tích đức tu hành, một lời thất đức công trình đổ đi”.
Thân, Khẩu, Ý, luôn hành động tạo tác phiền não. Vậy phiền não là gì? Là khách trần. Khách, tức là không thường trực, đến rồi lại đi. Có người đến nhà được chủ nhà đón tiếp cẩn thận, còn có người thì miễn cưỡng...Tóm lại, đón “khách”, đón phiền não như thế nào đó là thuộc về sự quán xét và quyết định của “chủ nhà”...
- Biết buông bỏ hận thù, bỏ tâm sân hận hay chúng ta thường nghe “giải oan cắt kết”. Vậy cắt kết là gì, kết là buộc mối nó lại. Điều quan trọng với người Phật tử cần thực tập, là hãy buông bỏ và đừng bao giờ sân hận oán ghét ai cả. Mỗi hận thù chồng lên hận thù thì tội ác lại ngày càng thêm chồng chất.
Lấy ví dụ về câu chuyện vị cao tăng Ngộ Đạt Quốc Sư từ một sự sai lầm ở kiếp trước mà oán thù kéo dài đến 10 đời sau mới báo ứng. Từ, Bi, Hỷ, Xả hay còn gọi là "Tứ vô lượng tâm" được tu tập theo chánh trí. Lòng Từ trừ diệt sân tâm; lòng Bi trừ diệt hại tâm; lòng Hỷ diệt trừ bất lạc; và lòng Xả trừ diệt hận tâm.
Khi có lòng bi mẫn đối với người khác thì sẽ hạnh phúc khi sống với bất kỳ ai. Cho dù bạn sống đơn độc một mình thì bạn cũng sung sướng, trong hiện tại có hạnh phúc và sự thoải mái (nhân) thì tâm thái này của bạn cũng sẽ có tương lai (quả) tốt đẹp nhất.
Khi ganh ghét, tật đố là một trong những tâm phiền não được phát sinh bởi lòng ích kỷ, tham lam. Để có tâm bình an chúng ta luôn luôn hoan hỷ với những thành tựu của người khác cùng nhau xây dựng tịnh độ nhân gian ngay hiện tiền, đem lại tâm an bình cho cuộc sống của mình.
Trong một ngày hãy dành cho mình 10 phút thôi để thư giãn tinh thần, không nên chạy theo cuộc sống hối hả. Nên sống chậm lại, sống an trú, và luôn luôn để tâm tỉnh giác, luôn làm chủ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý. Chúng ta kiểm soát được 3 thứ ấy thì tâm ta luôn có được an lạc, hạnh phúc và sẽ nhận ra chân giá trị của cuộc sống chẳng bao giờ khổ đau.