Có nhiều lúc, chỉ thấy lỗi người, chúng ta tự cho mình hay và trở nên kiêu ngạo. Trớ trêu thay, mình càng tự thấy mình hay và kiêu ngạo, thì mình càng sân hận, u mê và khổ đau. Nếu không may ai đó đụng vào những tự tôn và khuyết điểm của mình, mình có thể đau khổ, hận thù và nhiều khi còn thề không tha thứ.
Tha thứ chính là giải thoát. Tha thứ nhau chính là giải thoát cho nhau. Trong nhiều trường hợp, tha thứ còn mở ra cho nhau cơ hội một lần nữa để làm mới, hướng thiện và góp sức cùng nhau cho an bình và hạnh phúc chung của muôn loài
Mọi thứ trên đời này là vô thường. Lỗi lầm cũng vô thường. Thế giới luôn đi tới và mới liên tục. Ta cần tha thứ cho mình và tha thứ cho nhau. Thù hận trong ta càng nhiều, khổ đau trong ta càng lớn. Mặc cảm trong chúng ta càng sâu, bất hạnh trong ta càng dầy. Ta cần làm mới chính mình, cần nhìn lại và tha thứ hết những gì cần tha thứ. Có gì hạnh phúc đâu trong thế giới sân hận và mặc cảm! Mình bắt lỗi người, người bắt lỗi mình; mình công kích người, người công kích mình; mình mặc cảm mình, người mặc cảm người; người thù hận mình, mình thù hận người; tất cả sẽ về đâu? Chưa nói đến những phi lý khi mình chỉ thấy lỗi người mà chưa một lần chân thành nhìn lại!
Hơn nữa, lỗi lầm người hôm nay có thể là lỗi lầm mình ngày mai. Đau khổ người hôm nay có thể là đau khổ mình ngày mai. Hận thù sẽ tiếp nối hận thù. Khổ đau sẽ tiếp nối khổ đau. Nhiều khi vô tình, mình còn để lại gia tài hận thù, mặc cảm và khổ đau cho tương lai con cháu.
Khổng Tử từng trả lời học trò: “Vậy chỉ có thể là từ Thứ!”, khi được hỏi: “Thầy ơi, có từ nào đủ để làm nguyên tắc theo đuổi cả đời không?”
Lão Tử cũng từng có lời khuyên: “Người tốt ta dùng thiện đối đãi, mà người không tốt ta cũng dùng thiện đối đãi”.
Đức Phật Gotama thì không chỉ khuyên tha thứ mà còn hướng dẫn thương yêu: “Hận thù không thể hoá giải được hận thù. Chỉ có lòng thương yêu mới hoá giải được hận thù.”
Tha thứ là một phẩm chất cao đẹp, một liệu pháp giải thoát cho nhau, giúp tự thân hạnh phúc và nhân loại hoà bình.
Chính trị gia Churchill và Gandhi là hai con người hiện đại đã rất thành công trong việc ứng dụng tinh thần tha thứ cho sự nghiệp cá nhân và hạnh phúc dân tộc mà chúng ta có thể học hỏi. Chúng ta cũng nên tập nhìn sâu, nhìn đa chiều và niệm “tâm từ” để nuôi dưỡng và làm lớn trái tim tha thứ. Làm sao ngày mỗi ngày mình thấy yêu mình và thương người hơn. Mình thấy đồng cảm được với những nỗi khổ niềm đau bên cạnh hơn. Mình biết trân quý hơn những giới hạn sự sống của mình và nhìn ra cố chấp, hận thù, không tha thứ, chính là nhân duyên đã nhận chìm mình trong khổ đau và mặc cảm. Từ đó, học tha thứ, bao dung và tu tập tâm từ để an lành và hạnh phúc trong kiếp sống.
Phật Gotama nói ai tu tập tâm từ, làm cho tu tập tâm từ được sung mãn, sẽ có mười một điều lợi ích: (1) Ngủ an lạc; (2) Thức an lạc; (3) Không ác mộng; (4) Được người ái mộ; (5) Được phi nhân ái mộ; (6) Được chư thiên bảo hộ; (7) Không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm; (8) Tâm được định mau chóng; (9) Sắc mặt trong sáng; (10) Mệnh chung không hôi hám; (11) Nếu chưa thành tựu A-la-hán, được sinh Phạm thiên giới.[6] Chúng ta không nên cố chấp nữa. Chúng ta nên học tha thứ để thụ hưởng những tốt đẹp cần thụ hưởng (như lời Đức Phật).
Tha thứ chính là giải thoát. Tha thứ nhau chính là giải thoát cho nhau. Trong nhiều trường hợp, tha thứ còn mở ra cho nhau cơ hội một lần nữa để làm mới, hướng thiện và góp sức cùng nhau cho an bình và hạnh phúc chung của muôn loài.