Do đã được chia sẻ từ trước về vấn đề bạo lực học đường, kể cả với học sinh rất nhỏ như lớp mẫu giáo mà con tôi đang theo học nên nội gọi điện báo tin ngay cho tôi. “Ở trường của Minh (con trai tôi - NV) có bạn hay đánh bạn lắm, giờ phải làm sao?”. Tôi trao đổi và dặn dò nội của Minh, bảo trước tiên phải theo dõi tình hình đánh bạn của B và việc Minh bị đánh có thường xuyên không. Bước tiếp theo, nên đến nhà của B, chia sẻ với phụ huynh của bạn ấy để gia đình cũng nắm tình hình. Kế nữa, gặp cô giáo chủ nhiệm của con để nói việc trong lớp có bạn hay đánh các bạn khác để cô theo dõi, nhắc nhở, uốn nắn.
Tôi cũng dặn nội Minh, mỗi ngày con đi học về đều hỏi “đi học có vui không?”, rồi nhân đó dò xem con ở lớp có bị bắt nạt, hoặc có gì cần điều chỉnh qua câu chuyện con chia sẻ.
Trước đó, tôi và nội nhất trí việc dạy Minh theo hướng là bạn của con, tích cực trò chuyện, lắng nghe chứ không phán xét hoặc cấm đoán con theo kiểu áp đặt. Nhờ vậy, bạn nhỏ rất cởi mở với nội và ba, thường kể chuyện ở trường, chia sẻ các cuộc gặp hay sự cố khi đi chơi nhà hàng xóm, với bạn bè...
Tôi cũng hay trao đổi với cô về việc học ở trường của con. Có dịp đón con, tôi lại trò chuyện thật nhiều và hướng con tới những điều thiện lành, như chia sẻ thay vì ích kỷ giữ đồ chơi cho riêng mình; cởi mở, thân thiện để hòa đồng với bạn bè và mọi người thay vì nhút nhát, khép mình… Mỗi bạn trẻ có một tố chất, tôi vui vì con trai “đồng cảm” với những điều tôi chia sẻ, nhất là trò chuyện với nhau thật gần gũi. Nhờ sự kết nối này mà dù hoàn cảnh phải ở xa con nhưng hai ba con tôi khá thân gần.
Mấy bữa trước tôi nhận được bức ảnh trong nhóm phụ huynh. Đó là hình chụp cô hướng dẫn các con ngồi yên, tĩnh lặng theo kiểu thiền, yoga. Tất cả phụ huynh đều khen “dễ thương quá”. Có phụ huynh còn vui vẻ nói, “cho các con được trải nghiệm thiền và yoga từ sớm sẽ giúp trẻ có chiều sâu, biết lắng tâm và có khả năng điều chỉnh được cảm xúc, sống tích cực hơn”.
Điều chỉnh được cảm xúc thì sẽ làm chủ được hành vi, trong đó có những hành vi bạo lực bằng ngôn từ, hành động. Chưa bao giờ bạo lực học đường trở nên nóng bỏng như hiện nay, tính nghiêm trọng không chỉ về số lượng các vụ việc được phát hiện mà còn ở độ tuổi xảy ra tình huống khiến phụ huynh, dư luận lo lắng.
Mới đây, nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị 8 bạn học đánh hội đồng đến mức nhập viện. Cũng trong tháng 10, nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lộc Điền, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bị một nhóm bạn giật tóc, đánh đập tới tấp, lột áo và kéo lê giữa nền đất. Thật sự, xem những tin tức, video về bạo lực học đường, trong vai trò một phụ huynh có con độ tuổi đi học, tôi không khỏi lo lắng. Trong khi đó, chiều 7-11, tại quận Gò Vấp, TP.HCM lại có vụ việc nhóm nữ sinh lớp 9 đánh học sinh lớp 8 một cách dã man ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Sau khi đánh một học sinh lớp 8 dã man, nhóm nữ sinh lớp 9 còn cấm nạn nhân báo cho người khác, nếu không sẽ bị đánh tiếp.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Theo đó, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.
Một thống kê của Bộ Công an chỉ ra rằng, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Từ bạo lực học đường đến tội phạm xã hội là con đường khá ngắn nếu không được phát hiện sớm, ngăn chặn và có biện pháp hữu hiệu để giúp trẻ được nuôi lớn tình thương, trách nhiệm.
Có những nguyên tắc được đưa ra trong phòng chống bạo lực học đường, trong đó nêu cao sự phối hợp giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh để ghi nhận, cùng xử lý. Tôi quan tâm tới việc tạo môi trường lành mạnh cho trẻ được lớn lên, như ông bà mình đã dạy “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.
Trẻ bị bạo lực và trở nên bạo lực với bạn bè, sau này là bạo lực với người thân (như vợ/chồng, con cái) là sự thật mang tính lây lan, “ứng dụng” những gì đã trải.
Hiểu cơ chế này để ngăn bạo lực từ trong trứng nước. Ở nhà, người lớn cần sống hòa nhã, dùng lời dễ thương để nói chuyện, khuyên lơn con thay vì mặt nặng mày nhẹ, roi vọt gắt gao. Những bạo lực từ gia đình sẽ khiến trẻ nghĩ rằng bạo lực là chuyện bình thường và cũng trở nên bạo lực. Ở trường, cô giáo, bảo mẫu, người thầy nếu không có hạnh phúc, không làm chủ cảm xúc cũng dễ dẫn tới những bạo lực ngôn từ, bạo lực thân thể học trò gây ra những vết hằn tâm lý khó phai cho trẻ. Từ đó, trẻ cũng trở nên bạo lực. Các tác động từ game, phim ảnh, truyền thông, mạng xã hội cũng góp phần rất lớn đến lối sống, nhân cách của trẻ.
Tất cả đều là ở chỗ thói quen của mỗi người. Nếu chúng ta thường xuyên có những thói quen tốt, tiếp xúc với những điều thiện lành ta sẽ có khả năng hình thành nên tính cách tốt đẹp cao hơn. Theo triết gia Aristotle: “Những chuyện chúng ta không ngừng lặp lại sẽ tạo thành chúng ta. Biểu hiện nổi bật không phải là hành vi mà là thói quen”.
Ở 370 ngôi trường trên khắp nước Anh, học sinh được dạy cách thực hành thiền, các kỹ thuật thư giãn cơ bắp và các bài tập hít thở để đạt được sự tĩnh tâm. Chương trình này đang được triển khai theo một nghiên cứu quốc gia về sức khỏe tinh thần mà Chính phủ Anh tiến hành. Anh không phải là quốc gia duy nhất đưa chánh niệm, tĩnh tâm thành môn học được dạy trong nhà trường.
Năm 2016, một ngôi trường ở Baltimore đã quyết định cải tạo khu vực xử phạt học sinh trở thành nơi trẻ có thể đến và thực hành hít thở, các bài tập thư giãn cơ. Đây là cách giúp trẻ bình tĩnh hơn, tăng mức độ tập trung của trẻ trong lớp học. Một em học sinh được đưa đến “phòng thực hành chánh niệm” vì xô đẩy bạn và gán tên xấu cho bạn đã mô tả với tờ CNN rằng: “Cháu đã hít thở sâu, ăn một ít bánh và cháu nhận diện được bản thân mình. Sau đó, cháu đã xin lỗi bạn trước lớp”.
Bên cạnh tạo môi trường lành mạnh, đưa sự thực tập tĩnh lặng vào trường học, xem đó là kỹ năng sống có ý thức, giúp định tâm, làm chủ hành vi theo tôi cũng là một gợi ý hay cho việc ngăn bạo lực học đường.