Ảnh minh họa.

Nghiệp và ý chí tự do

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Karma là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “hành động”. Một cách đơn giản để hiểu nghiệp là nhìn nó như những khoảnh khắc nhân quả. Ví dụ, nếu ai đó uống một tách trà lớn vào buổi sáng, đó là nhân. Và quả là họ sẽ phải đi nhà vệ sinh nhiều lần vào buổi chiều.

Do đó, nếu ta cẩn thận trong việc quán xét nghiệp qua hành động của mình (tức là nhân và quả), với thời gian, ta có thể đưa ra những quyết định tốt hơn, làm giảm đau khổ cho bản thân và người khác.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không chỉ con người có nghiệp. Thực vật, động vật cũng phải chịu nghiệp. Và sự tương tác nhân quả giữa con người và môi trường dẫn đến một mạng lưới nghiệp không thể hoàn toàn gỡ rối.

Thí dụ, giả sử chúng ta mua một ngôi nhà mà ở sân sau có cây do người chủ nhà trước đó trồng, thì sẽ rất khó để biết do nghiệp lực nào khiến họ trồng cây. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với việc phải cào lá rụng vào mùa thu!

Như thế, chúng ta luôn ở trong trạng thái duyên hệ với vũ trụ; đồng thời ta cũng tạo ra những nhân ảnh hưởng đến thế giới quanh ta và ta cũng bị ảnh hưởng bởi nghiệp nhân của người khác. Điều này đặt ra một số câu hỏi thú vị xung quanh khái niệm ý chí tự do.

Chúng ta có thể lựa chọn dựa trên nhận thức của bản thân, hay chúng ta cũng chỉ là những cỗ máy tự động di chuyển và hành động dựa trên nghiệp của thế giới xung quanh ta? Từ quan điểm Phật giáo, câu trả lời cho câu hỏi này là: “Có!”.

Mỗi người chúng ta khi được sinh ra, đã có những lá bài định mệnh (nghiệp nhân quá khứ), nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Chúng ta không chọn cha mẹ, quốc gia, xuất xứ, ngày sinh, v.v… Những quyết định đó được đưa đến cho chúng ta dựa trên một chuỗi các nhân và quả từ bao đời. Tuy nhiên, giờ chúng ta ở đây, sống như những con người có ý thức, chúng ta có thể chọn cách chơi của mình tại chiếu bạc của cuộc sống.

Nói cách khác, chúng ta có thể hiểu mối quan hệ giữa nghiệp và ý chí tự do, bằng cách tưởng tượng mình là hành khách trên một chuyến tàu. Hành khách không được đụng đến máy tàu, nên ta không thể tăng hoặc giảm tốc độ tàu chạy. Tương tự, chúng ta cũng không thể xuống tàu bất cứ lúc nào hay sắp đặt đường ray mới. Có một phần trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng ý chí tự do của mình trong giới hạn của con tàu. Chúng ta có thể chọn toa tàu mình muốn đi. Chúng ta có thể chọn cách tương tác với các hành khách khác. Bằng cách chịu trách nhiệm về nghiệp cá nhân của mình, chúng ta có thể tìm thấy tự do mặc dù thực tế là số phận của chúng ta bị kiểm soát một phần bởi các yếu tố bên ngoài.

Đó là lý do tại sao Phật giáo đặt trọng tâm vào việc rèn luyện đạo đức. Khi chúng ta thực hành chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng, như chúng được dạy trong Bát chánh đạo, là chúng ta tham gia vào các hành động cho phép chúng ta tối đa hóa quyền kiểm soát cá nhân đối với cuộc sống của mình, trong khi vẫn chấm dứt đau khổ cho bản thân và người khác. Như thế, một sự hiểu biết tốt về nghiệp rất quan trọng đến việc thực hiện ý chí tự do của chúng ta.

Thứ làm tổn thương khả năng thực hành ý chí tự do của chúng ta và không phụ thuộc vào các nghiệp lực bên ngoài là tham ái. Khi ham muốn của chúng ta đối với các thứ (tiền bạc, địa vị, tình dục, v.v…) tăng lên, nó che mờ tâm trí ta. Do đó, chúng ta không thể nhìn thấy nghiệp quả của các hành động của mình.

Một ví dụ về điều này có thể được nhìn thấy ở một đứa trẻ ăn kem quá nhanh và nó bị đóng băng não. Nó bị cuốn vào cảm giác ham ăn kem đến nỗi quên ăn chậm. Kết quả là nó phải khổ. Một ví dụ khác về lòng ham muốn che mờ phán đoán cá nhân sẽ là việc một người đàn ông bị lòng tham lấn át đến nỗi anh ta đi cướp ngân hàng và cuối cùng phải vào tù.

Đối với người quan sát bên ngoài, nghiệp quả của những hành động này có thể rất rõ ràng. Tuy nhiên, khi chúng ta cho phép ham muốn chiếm lấy tâm trí, ta không thể suy nghĩ rõ ràng. Ta chỉ thấy đối tượng của sự thèm muốn của ta, và mất khả năng nhìn thấy bất cứ điều gì khác. Đây là lý do tại sao việc thực hành chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, tạo nên các nguyên lý cuối cùng của Bát chánh đạo là rất quan trọng.

Khi thực hành chánh niệm và chánh định, là chúng ta hướng sự chú tâm vào bên trong và quán sát nội dung của tâm. Giống như một thám tử, chúng ta tìm kiếm manh mối và trở nên bén nhạy hơn với cách ta phản ứng với các kích thích khác nhau ở bên ngoài. Kết quả cuối cùng là ta tạo ra được không gian giữa hành động và ý muốn của chúng ta. Khi tâm tham phát khởi, ta nhận biết nó trước khi chúng ta làm điều gì đó hấp tấp. Do đó, thay vì nhượng bộ một cách vô thức với phát khởi trải nghiệm, chúng ta đưa ra quyết định dựa trên đạo đức và lẽ thường.

Tất nhiên, là con người, chắc chắn ta sẽ phạm sai lầm. Nhưng đó là lý do tại sao chánh tinh tấn là một phần trên đường đạo. Khi nhận thấy mình đã trượt lại vào những thói quen và hành vi không lành mạnh, chánh tinh tấn sẽ cung cấp động lực để chúng ta làm lại!

Nói một cách đơn giản, nghiệp là nhân quả. Phật giáo dạy rằng mọi thứ trên thế gian đều phải chịu nghiệp, tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy nghiệp nhân có ảnh hưởng đến cuộc sống của ta như thế nào. Điều đó có nghĩa là, thông qua việc tinh tấn thực hành và tuân theo Bát chánh đạo, chúng ta có thể trở nên bén nhạy trong việc nhận thức được những gì nằm trong tầm kiểm soát của ta để đưa ra quyết định phù hợp. Sự quán chiếu bản thân này rất quan trọng bởi vì không có nó, chúng ta trở thành những bánh xe vô thức trong bộ máy vũ trụ; hành động theo tham vọng thấp hèn chứ không suy nghĩ gì về hành động của mình.

Tin cùng chuyên mục