Từ khi thành lập cho đến khi có Thiền sư Viên Quang về trụ trì, chùa đã trải qua hơn 30 năm tồn tại nhưng không phát triển, hoàn toàn không mang một ý nghĩa hoằng pháp mà chỉ là chỗ dựa tinh thần cho lưu dân. Tuy nhiên, dưới thời Thiền sư Viên Quang, chùa Giác Lâm trở thành trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả khu vực Nam Bộ.
Chính diện chùa Giác Lâm |
Khi Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh kế vị, vào khoảng năm 1844, ngài đẩy mạnh việc đào tạo cho tăng chúng tại chùa bằng cách mở các trường hương, trường kỳ để dạy kinh luật luận, ứng phú đạo tràng cho tăng chúng, tạo nên một hào khí mạnh mẽ trong ngôi nhà Phật pháp.
Bảo tháp của chùa |
Đến năm 1873, dưới thời Thiền sư Hoằng Ân – Minh Khiêm, kế thừa những Phật sự đã có sẵn, chùa còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số đầu sách Phật giáo. Vào năm 1909, Thiền sư Hồng Hưng – Thạnh Đạo cho trùng tu chùa Giác Lâm lần thứ hai và lần thứ ba, thay đổi khá nhiều kiến trúc của chùa. Trong khoảng thời gian 1939 – 1945, thời Thiền sư Nhật Dần – Thiện Thuận, một số tu sĩ đã tham gia kháng chiến, chùa Giác Lâm được dùng làm cơ sở hậu cần, đồng thời là nơi trú ẩn của rất nhiều nhà hoạt động cách mạng đang làm công tác trinh sát nội thành.
Chùa Giác Lâm sở hữu lối kiến trúc chữ tam tiêu biểu của các ngôi chùa ở Nam Bộ |
Năm 1953, chùa Giác Lâm tiếp nhận cây bồ đề và viên ngọc Xá lợi Phật do Đại đức Narada Maha Thera từ Sri Lanka trao tặng cho Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam. Lúc đầu, viên ngọc Xá lợi Phật được gửi tạm tại chùa Long Vân ở Đồng Nai trong một ngôi tháp nhỏ bằng vàng. Sau khi ngôi bảo tháp Xá lợi ở chùa Giác Lâm hoàn thành, viên ngọc Xá lợi mới được đem về tôn trí.
Ngày 16/11/1988, chùa Giác Lâm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 1992, Thượng tọa Thích Huệ Sanh cho đại trùng tu di tích Tổ đình Giác Lâm, kéo dài trong 6 năm, cho đến năm 1999 thì hoàn thành.Một góc khu vực chính điện
Chùa Giác Lâm sở hữu lối kiến trúc chữ tam tiêu biểu của các ngôi chùa ở Nam Bộ, với 3 dãy nhà ngang được nối liền với nhau trên bố cục hình chữ nhật, bao gồm: chánh điện, giảng đường, và nhà trai. Qua những lần trùng tu lớn, chùa có thêm các công trình như: khu tháp Tổ, bảo tháp Xá Lợi, khu giảng đường, nhà cốt,…
Một trong những nét khác biệt của kiến trúc chùa Giác Lâm đó là cổng nhị quan được xây vào năm 1945, nổi bật với 2 con sư tử chầu ở hai góc cổng theo văn hóa Ấn Độ và đầu rắn Naga đặc trưng trong Phật giáo Nam tông Khmer.
Tượng phật ở khu vực chính điện |
Điều đặc biệt của chùa chính là nằm ở đỉnh tường chánh điện được trang trí bởi khoảng 7.000 chiếc đĩa. Đa số các sản phẩm này đến từ lò gốm Lái Thiêu ở Bình Dương, còn một số khác có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc. Với số lượng đĩa đồ sộ, chùa Giác Lâm sở hữu kỷ lục “Ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam”.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Giác Lâm còn có các công trình nổi bật như: bảo tháp Xá lợi 7 tầng, khu tháp mộ cổ, và các hiện vật quý thể hiện rõ nét quá trình phát triển Phật giáo tại Nam Bộ.
Dưới đây là một số hình ảnh của ngôi cổ tự