Người cư sĩ và niềm tin nơi Đức Phật

Người cư sĩ và niềm tin nơi Đức Phật

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Người cư sĩ và niềm tin nơi Đức Phật của bậc Đạo sư khi thị hiện ở đời: vì an lạc, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Niềm tin ấy được củng cố sâu sắc bởi kho tàng giáo pháp và sự nghiệp độ sinh của chư vị Tổ sư, các thế hệ chư Tôn đức trong lịch sử hơn hai mươi sáu thế kỷ qua.

Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”. Niềm tin cũng là yếu tố đầu tiên trong bảy tài sản của bậc Thánh (thất thánh tài), đưa hành giả đi đến giác ngộ, giải thoát.

Thật vậy, có niềm tin nơi Phật - Pháp - Tăng, nơi các bậc Thầy sáng, bạn lành, mới trọn đời quy ngưỡng, y giáo phụng hành và tiến tu trên con đường giải thoát. Không phải ngẫu nhiên mà chữ tín được đặt ở vị trí đầu tiên trong tín - hạnh - nguyện (ba yếu tố quan trọng không chỉ cho hành giả tu Tịnh độ, mà còn cho tất cả những người con Phật, dù tu theo pháp môn nào). Trong đó, niềmtin nơi đức Phật là điều kiện tiên quyết ở niềm tịnh tín với Tam Bảo. Thế nhưng, niềm tin ấy phát xuất từ đâu, và cần được thực hiện như thế nào cho đúng Chánh pháp?

Trước hết, là người con Phật, hẳn rằng ai cũng từng tụng đọc Mười ơn đức Phật. Đó là 10 danh hiệu, chỉ 10 phẩm tánh, phẩm chất của một vị Phật toàn giác, gồm: Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Khi hiểu được ý nghĩa của từng công đức ấy, mới thấy được công hạnh sâu dày của bậc Đạo sư.

Trên thực tế, trong quá trình tu tập (học kinh, nghe Pháp, hành trì pháp môn đã chọn…), mỗi người sẽ dần nhận ra sự chuyển hóa về tâm thức theo tinh thần hướng thiện, hướng thượng, hướng giải thoát. Chính sự tiến bộ từng ngày như thế càng làm tăng trưởng niềm tin nơi đức Phật và giáo pháp do Ngài khai mở.

Nói cụ thể hơn, khi ứng dụng những lời Phật dạy vào trong cuộc sống, càng thấm thía sự từ bi, trí tuệ nơi lời dạy ấy. Càng hiểu rằng, đạo Phật mà đức Thế Tôn xác lập không chỉ nhằm mục đích rốt ráo là đưa chúng sinh thoát luân hồi sinh tử. Đạo Phật còn là một nghệ thuật sống, nhằm đem lại sự an lạc cho những ai hiểu và hành trì đúng giáo pháp.

Từ những cơ sở đó, mỗi chúng ta đều có lòng tri ân và phát khởi niềm tin nơi đức Phật; rồi lập nguyện học, tu, tinh tấn hành trì Chánh pháp.

Thế nhưng, niềm tin nơi đức Phật phải được xây dựng trên cơ sở nào, để đó thực sự là niềm tin chân chính (chánh tín), đúng với chân lý mà bậc Đạo sư đã tìm ra và tự thân chứng ngộ?

Đức Phật đã từng dạy: “Ta không có quyền ban phước hay giáng hoạ cho ai. Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng Ta”. Lời dạy ấy cho thấy niềm tin nơi đức Phật là niềm tin của sự hiểu biết và trí tuệ. Hơn thế nữa, niềm tin ấy không song hành với sự van xin, cầu khẩn theo lẽ thế gian thường tình. Ngày trước, khi bắt đầu tiếp cận với giáo lý nhà Phật, con đã rất ấn tượng với lời dạy này. Đây cũng là một trong những lý do dẫn con đến quyết định đi sâu vào con đường học Phật.

Trong kinh Kalama, Đức Phật dạy: “Đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy từng được nghe nói đến, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được quảng bá rộng rãi, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do truyền thống để lại, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được kinh điển truyền tụng, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do một vị giáo chủ nói ra, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy đoán, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy luận, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì mình thấy điều đó có lý, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với thành kiến, quan điểm nhận thức của mình, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do thầy mình nói ra. Nhưng chỉ khi nào tự mình biết rằng những điều đó là không đúng, những điều đó không chính đáng, những điều đó bị người hiền trí phê phán, và khi chấp nhận, khi thực hành sẽ đưa đến tai hại và khổ đau thì các ngươi hãy từ bỏ những điều đó. Khi nào chính các người biết rằng những điều đó là chân chính, những điều đó không bị chê trách, những điều đó được người hiền trí khen ngợi, những điều đó khi được chấp nhận và thực hành sẽ dẫn đến an lạc hạnh phúc, thì các ngươi phải nỗ lực mà thực hành”.

Có thể xem đây là tuyên ngôn sâu sắc về lòng tin, không chỉ riêng trong lĩnh vực tôn giáo, mà còn có thể ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống thế gian, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, đã từng có các những giáo sư phương Tây dùng lời kinh này để nhắc nhở nghiên cứu sinh xem đây là phương châm khi làm đề tài khoa học.

Cần phải hiểu rằng, chúng ta đến với đạo Phật không phải để cầu xin, không phải để nương tựa thần quyền. Niềm tin trong đạo Phật là hướng về những điều mà đức Phật đã giác ngộ: duyên sinh, nhân quả nghiệp báo, vô thường, khổ, không, vô ngã… Nếu xây dựng niềm tin không vững chắc, hoặc niềm tin có được trên cơ sở nhận thức cảm tính mà không xuất phát từ lý trí, từ kinh nghiệm thực tiễn thì sớm muộn niềm tin ấy cũng bị đổ vỡ. Sẽ dễ dàng bỏ đạo, dễ dàng bị lôi cuốn, tha hóa, thậm chí rơi vào mê tín dị đoan vì không có niềm tin chân chính bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện hiện nay, khi có quá nhiều thông tin bị nhiễu xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, nếu không vững vàng về giáo pháp, không có định lực tu tập, người Phật tử rất dễ hoang mang, lung lay niềm tin vào đạo pháp.

Đạo Phật là con đường của sự chuyển hóa tâm thức. Đến với đạo Phật là đi trên con đường của từ bi và trí tuệ. Trên con đường đó, người Phật tử cần trang bị niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo, đặc biệt là niềm tin nơi đức Phật. Ngài là bậc Đạo sư cao cả của trời và người, là bậc tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Bên cạnh đó, người Phật tử, ngoài niềm tin về sự thành tựu quả vị Phật ở đức Thế Tôn, về lộ trình giải thoát do Người hướng dẫn, còn có niềm tin về kết quả tu tập của tự thân, nếu đi đúng con đường đức Phật đã đi. Bởi lẽ, bậc Chánh đẳng giác đã từng xác quyết: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh cách nay hơn 26 thế kỷ. Bậc Đạo sư xuất hiện ở đời với đại nguyện: vì an lạc, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Hơn bốn mươi năm hoằng pháp lợi sinh, những lời dạy của Ngài đã trở thành kho tàng Pháp bảo vô giá cho môn đồ tứ chúng, có giá trị vượt không gian, vượt cả thời gian.

Giáo lý thâm sâu, vi diệu của đức Như Lai đã chuyển mê, khai ngộ, đã chỉ ra con đường thoát khổ cho chúng sinh. Trong ý nghĩa đó, Phật là bậc Thầy hiền, Pháp là lời dạy cao quí, Tăng là những học trò ngoan. Tam Bảo (Phật - Pháp - Tăng) là nơi quay về nương tựa quý báu cho hàng cư sĩ trên con đường tiến tu giải thoát.

Trong Tam Bảo, Phật bảo là điều kiện tiên quyết hình thành Pháp bảo và Tăng bảo. Đây cũng là lý do dẫn đến niềm tin nơi đức Phật - niềm tin bất thoái chuyển cho những ai đã, đang và sẽ đi trên con đường giác ngộ, giải thoát.

Cùng chuyên mục