Động lực
Là một hành giả, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận tất cả những khó khăn, trắc trở trên con đường huấn luyện tâm thức và cố gắng duy trì sự kiên định, tinh tấn và ý chí của bạn. Hơn nữa, bạn phải liệu trước nhiều chướng ngại mà bạn bắt buộc phải đối mặt trong suốt hành trình và luôn nắm vững chiếc chìa khóa của thành công là không bao giờ từ bỏ lòng quyết tâm của mình. Ban đầu, cách tiếp cận mang tính kiên định như thế rất quan trọng.
Ngoài ra, điều thiết yếu đối với một hành giả tâm linh là phải thường xuyên quán xét lại thái độ và hành động của bản thân mình. Nếu chúng ta dùng chánh niệm và sự tỉnh giác để quán xét chính mình mỗi ngày, nhận biết những suy nghĩ, động cơ và biểu hiện của chúng thông qua các hành động bên ngoài thì khả năng thay đổi, chuyển hóa và tiến bộ tự thân mới có thể bắt đầu khai mở bên trong chúng ta.
Ngay khi bạn thức dậy vào buổi sáng, nếu bạn hứng khởi với việc tu tập tâm linh thì bạn nên quán chiếu lại tâm mình ở giây phút đó và cố gắng phát triển một số loại động lực thích hợp. Sau đó, hãy cam kết và quyết tâm mạnh mẽ rằng trong tương lai, đặc biệt là trong ngày hôm nay, bạn sẽ thực tập như lý tác ý và những ứng xử đúng đắn, phù hợp với từng vấn đề phát sinh. Chẳng hạn như, hãy nghĩ rằng bạn sẽ giúp đỡ người khác theo một cách phù hợp và nếu không thể hỗ trợ họ thì ít nhất cũng không làm họ tổn thương. Trong suốt một ngày, thỉnh thoảng hãy tự nhắc nhở mình về quyết tâm và động lực đó.
Rèn luyện tâm thức
Bằng cách rèn luyện không ngừng nghỉ, một hành giả có thể chuyển hóa được tâm của họ, hay nói cách khác, những thái độ, suy nghĩ và quan điểm tích cực của chúng ta có thể được phát triển và những mặt tiêu cực tương ứng có thể được giảm thiểu.
Phần lớn những gì chúng ta nhận thức đều sai lầm, nhìn nhận mọi thứ không đúng như chúng thực sự đang là. Đây chính là lý do tại sao chúng ta bị ảo tưởng về bản thân và thế giới xung quanh. Để tránh bị như thế, chúng ta không nên chấp nhận sự hiểu biết của bản thân về các pháp theo cách mà chúng ta nhận thức về chúng. Quan trọng là phân tích và kiểm tra xem liệu chúng ta có đang nhìn nhận các pháp như chúng thực sự đang là hay không.
Một trong những đặc điểm cơ bản của việc luyện tâm (lojong) là vượt qua sự bám víu và chấp thủ chắc chắn vào bản ngã và thái độ yêu chiều bản ngã. Chính thái độ quá yêu bản thân khiến chúng ta không thể thực sự đồng cảm đối với người khác và giới hạn tầm nhìn của bản thân vì tự xem mình là trung tâm. Về bản chất, chúng ta hướng đến việc chuyển hóa cái nhìn nhỏ hẹp tầm thường về cuộc sống để trở nên vị tha, thánh thiện hơn, ít nhất là xem lợi ích của tha nhân cũng giống như của bản thân hay nếu lý tưởng hơn thì xem lợi ích của người quan trọng hơn nhiều so với quyền lợi của cá nhân mình.
Điểm cốt yếu trong giáo lý của Đức Phật một mặt xem sự vô kỷ luật của tâm là nguyên nhân của khổ đau và bất giác, vô minh; mặt khác cho rằng sự kỷ luật của tâm là hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát tâm linh. Đây là điều rất quan trọng.
Cơn giận và nhẫn nhục
Không gì có sức tàn phá mạnh mẽ hơn sự giận dữ. Một cơn giận có thể phá hủy tất cả thiện nghiệp được tích lũy từ xuyên suốt hàng nghìn kiếp như thực hành bố thí, cúng dường chư Phật, giữ giới,… Thực sự, không có một tội lỗi nào nghiêm trọng hơn sân giận. Trái lại, nhẫn nhục lại được xem như phương pháp tu tập duy nhất giúp vô hiệu hóa và ngăn ngừa cơn giận bùng phát. Thông qua đó, khổ đau từ những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta đang phải chịu đựng được xoa dịu. Do đó, điều quan trọng nhất là quyết tâm rèn luyện đức tính nhẫn nhục, thông qua việc quán chiếu lợi ích của sự nhẫn nhục và những tác hại kinh khủng của cơn giận.
Giận dữ và thù hận mới thực sự là kẻ thù của chúng ta. Đó mới chính là những đối tượng mà chúng ta cần đối đầu và đánh bại, chứ không phải những “kẻ thù” xuất hiện tạm thời, hết người này đến người kia trong cuộc đời của chúng ta.
Các vấn đề mà thông thường khiến chúng ta khổ sở sẽ không còn nữa khi sức nhẫn chịu của chúng ta rất lớn. Trái lại, nếu không có lòng nhẫn nhục, thì ngay cả những chuyện bé tí chúng ta cũng không thể chịu đựng nổi. Như vậy, tất cả đều tùy thuộc vào thái độ và dung lượng trái tim của chúng ta.
Hạnh phúc, an lạc
Ngay cả trong những cuộc đối thoại bình thường hàng ngày, khi ai đó nói với sự ấm áp, yêu thương, thì chúng ta rất thích nghe và đáp lại cũng theo cách đó; tự nhiên toàn bộ cuộc nói chuyện trở nên thú vị. Trái lại, nếu một người nói chuyện một cách lạnh lùng và chua ngoa, thì chúng ta cảm thấy khó chịu và mong cuộc tương tác này sẽ nhanh chóng kết thúc. Từ những chuyện nhỏ nhặt đến những sự kiện lớn lao, tình thương và sự tôn trọng đối với người khác là điều thiết yếu khiến bản thân chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Có rất nhiều kiểu cười, chẳng hạn như cười mỉa mai, cười giả tạo hay ngoại giao. Nhưng những kiểu cười ấy không mang lại cảm giác vui vẻ và thoải mái, và đôi khi chúng còn khiến đối phương e ngại và sợ hãi, phải không? Nhưng một nụ cười chân thành thực sự mang đến cho chúng ta cảm giác thư thái và an lành, tôi tin rằng điều đó chỉ loài người mới có được. Nếu đây là nụ cười mà bạn thích thì bạn phải tự tạo ra những nhân duyên để chúng có mặt.
Chúng ta phải nhớ rằng bất kỳ một hệ thống tôn giáo, tư tưởng hay chính trị nào cũng đều hướng đến mục tiêu mang đến hạnh phúc cho con người. Chúng ta không được phớt lờ mục tiêu căn bản này và đừng bao giờ đặt xem trọng các phương tiện hơn các mục tiêu.
Sự thiếu hiểu biết về nguồn gốc thực sự của hạnh phúc là nguyên nhân căn bản khiến người này làm tổn thương người kia. Một số người nghĩ rằng làm người khác đau khổ có thể khiến bản thân họ hạnh phúc, hay hạnh phúc của bản thân họ quan trọng đến nỗi đau khổ của người khác không còn có ý nghĩa gì nữa. Suy nghĩ như vậy thật là thiển cận. Làm cho người khác khổ đau thực sự không mang lại lợi ích gì cho bản thân.
Làm việc chung với kẻ thù
Nếu chỉ nghĩ đến tình yêu thương và đức tính nhẫn nhục thôi thì vẫn chưa đủ để phát triển chúng. Chúng ta phải biết áp dụng khi đối mặt với những trở ngại và nỗ lực để rèn luyện những đức tính này trong những hoàn cảnh khó khăn. Và ai sẽ tạo ra cho chúng ta những cơ hội đó? Không phải là bạn bè mà chính là những kẻ thù của chúng ta. Họ là những người khiến chúng ta gặp rắc rối nhiều nhất. Vì vậy, nếu muốn học hỏi thì chúng ta nên xem kẻ thù là người thầy tốt nhất.
Khi một vấn đề mới nảy sinh, hãy giữ thái độ khiêm tốn, chân thành và nghĩ rằng kết quả như thế là công bằng. Dĩ nhiên, những người khác có thể cố gắng lợi dụng bạn và nếu sự bình tĩnh, chân thành của bạn chỉ làm đối phương muốn gây hấn vô cớ, thì bạn hãy cứ giữ vững lập trường. Tuy nhiên, tất cả nên được thực hiện với lòng từ bi, và nếu cần thiết phải bày tỏ quan điểm hay đưa ra các biện pháp mạnh để đối phó, hãy làm như vậy mà không tức giận hoặc có ác ý.
Giận dữ và thù hận mới thực sự là kẻ thù của chúng ta. Đó mới chính là những đối tượng mà chúng ta cần đối đầu và đánh bại, chứ không phải những “kẻ thù” xuất hiện tạm thời, hết người này đến người kia trong cuộc đời của chúng ta.