Những văn bia quý giá của chùa Báo Ân

Những văn bia quý giá của chùa Báo Ân

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chùa Báo Ân ta phụng thờ Hoàng đế Minh Tông triều Trần đã xưa lắm rồi, mà đài châu báu còn nối sự trang nghiêm nghìn năm. Các điều giỗ chạp vào Tết Thượng Nguyên lễ nhập tịch, hàng hội…. cùng đã ghi chép, thiết nghĩ rằng lưu truyền cho người sau thì mai một.

Vài nét về ngôi chùa Báo Ân

Chùa Báo Ân được trùng tu, xây dựng lại với quy mô lớn vào thời Trần, với 36 nóc nhà, 99 gian, 2 lớp tam quan nội, ngoại. Chùa là nơi thờ Phật, kiêm hành cung của các vua nhà Trần, nên còn được gọi là Chùa Cả.

Trong sách “Tam tổ thực lục” có ghi: Vào năm Hưng Long thứ 21 (năm 1313), Thiền sư Pháp Loa đã cho xây dựng lại chùa Báo Ân, tất cả phí tổn về vật liệu, thợ thuyền và tiền công đều do triều đình chu cấp. Vua Trần Anh Tông trực tiếp đến thiền viện thị sát 3 đến 4 lần và lệnh cho các bộ cho cấm binh đến khiêng gỗ, đổ đất góp công sức xây dựng chùa.

Tam tổ thực lục cho biết: “Vua Anh Tông đến nghe pháp, nhân đó, phụng di chiếu của Điều Ngự, lấy những vật liệu của Tam Bảo tại cung Thánh Từ để trùng tu chùa Báo Ân tại huyện Siêu Loại; nhân công, thợ mộc, cây gỗ đều do quan cấp. Vua ba, bốn lần đến chùa ấy, nhân đó, sai cấm quân chở thêm gỗ, đổ thêm nền.” [Tam tổ thực lục, tr24]

Còn trong những thư tịch cổ, như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Tam tổ thực lục” hay “Tam tổ hành trạng”… cũng ghi về chùa Báo Ân, như sau: Đầu thời Trần, chùa Báo Ân đã là một trong những Trung tâm Phật giáo của dòng thiền Trúc Lâm với Đệ nhất tổ (Sơ tổ) Trúc Lâm Đầu Đà (tức Phật Hoàng Trần Nhân Tông), Đệ nhị tổ Thiền sư Pháp Loa và Đệ tam tổ Thiền sư Huyền Quang.

Đó là ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà Phật giới cũng như người đời vẫn quen gọi là Trúc Lâm tam tổ. Trong sách ghi chép rõ việc Điều Ngự sai Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại.

Những văn bia quý giá của chùa Báo Ân ảnh 1

Văn bia của chùa Báo Ân đang được lưu giữ

Tư liệu văn bia chùa Báo Ân

Hiện tại chùa còn bảo lưu được 6 tấm bia đá và 1 cây hương đá (Thiên đài thạch trụ) dựng năm Vĩnh Thịnh thứ tư (1709). Tấm bia có niên đại sớm nhất được dựng năm Đức Long thứ hai (1629) và muộn nhất là tấm bia dựng năm Thành Thái thứ 11 (1899).

Nội dung văn bia đều ca ngợi ngôi chùa là một danh lam của xứ Kinh Bắc và ghi chép lại những lần trùng tu sửa liên tục suốt từ thời Lê đến thời Nguyễn. Bia dựng năm Đức Long thứ hai (1630) còn ghi rõ dòng họ chúa Trịnh gồm các Quận công, Đô đốc tướng quân, Đô đốc phủ đã bỏ tiền ra tu sửa với qui mô khá lớn: tam quan, bái đường, thiêu hương, lầu chuông, gác trống, tô tượng, lập bia lưu truyền cho hậu thế.

Tấm bia dựng năm Dương Hòa thứ hai (1636) cho biết việc các quận chúa Ngọc Xuân, Ngọc Niệm, Khuê quận công Trịnh Lựu đã cúng cho chùa 26 mẫu ruộng và tiền bạc đèn hương. Nhiều năm sau đó, chùa Báo Ân tiếp tục được sửa chữa: năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750), năm Minh Mạng thứ 4 (1824) đúc lại chuông, năm Thành Thái thứ 4 (1892) sửa chữa tiền đường, Phật điện.

Bia “Tu tạo Báo Ân tự bi ký” có niên đại Đức Long nhị niên (1630). Bia có bốn mặt đều khắc chữ Hán, chóp bia tạo dáng hình hoa sen, trán bia hình chữ nhật, trán trên chạm nổi hình “Lưỡng long chầu nhật”. Các điểm bia trang trí chạm nổi chim trĩ đậu trên cành trúc, hoa cúc mãn khai, hoa cúc dây, rồng lá chim phượng…. Đây là tấm bia quý không những có giá trị về mặt mĩ thuật trang trí mà còn có giá trị về mặt lịch sử xây dựng và trùng tu ngôi chùa Báo Ân.

Nội dung bia ghi lại các Ngọc tử họ Trịnh và các quận công, đô đốc tướng quân, đô đốc phủ… bỏ tiền ra sửa chùa để làm nền phúc cho dòng họ.

Bia “Trùng tu Báo Ân tự bi ký” tạo dựng năm Thành Thái thứ tư (1892). Bia hai mặt, trán bia trang trí rồng chầu mặt nhật, diềm bia trang trí hoa cúc dây, nội dung bia ghi tên các tiền chủ thuộc các dòng họ Đào, Nguyên, Vũ… cúng tiền, ruộng để sửa chùa.

Bia “Hoàng Định nhị niên” (1602), chữ đã mờ, bia một mặt ghi chữ Hán, trán bia trang trí rồng chầu mặt nhật. Hai bên trán bia chạm nổi một lá đề và một bông hoa sen. Nội dung bia ghi hai vị thị nữ cúng ruộng cho chùa Báo Ân.

Qua nghiên cứu văn bia tại chùa Báo Ân, có thể thấy rằng những tư liệu này rất có giá trị về mặt tư liệu để khảo cứu các vấn đề về lịch sử chùa, lịch sử kế đăng của chùa Báo Ân. Qua văn bia Báo Ân đại thiền tự và bia Dương Quang xã Văn Đường lập bi kí đã cho chúng ta biết về việc trùng tu tôn tạo chùa, bên cạnh đó là sự ghi nhận công đức của tín thí góp công sức tịnh tài xây dựng chùa, đặc biệt là công đức rất lớn của nhiều hoàng thần quốc thích nhà Trịnh.

* Lược trích từ bài viết của Thượng toạ Thích Thanh Phương

Tin cùng chuyên mục