Phật pháp chuyên trị tâm bệnh như buồn phiền, lo lắng, thất vọng, khổ não, các tâm lý tiêu cực, phiền não nội kết v.v… bằng cách dứt trừ các nguyên nhân gây bệnh như vô minh, tà kiến, tham lam, ích kỷ, sân hận, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ, cố chấp v.v… và giúp trau dồi đạo đức, trí tuệ. Mặt khác Phật pháp còn giúp trị thân bệnh và hạn chế những rủi ro trong đời sống thông qua việc điều chỉnh nhận thức, sửa đổi hành vi, thay đổi lối sống; rèn luyện bản thân và thực hành các phương pháp thiền định.
Có mối tương quan mật thiết giữa thân thể vật lý và tâm lý con người, vì thế một nếp sống lành mạnh là điều kiện thiết yếu để xây dựng bình an, hạnh phúc, hạn chế những nguy cơ tổn hại sức khỏe, tính mạng con người như tai nạn, bệnh tật. Tuy nhiên, vì thế gian vô thường nên ai cũng phải trải qua ít nhiều biến cố, đổi thay trong cuộc đời, và không ai tránh khỏi hiện tượng già, bệnh, chết vốn được xem như là quy luật.
Nếu có nhận thức đúng, có tư duy tích cực và hành vi, lối sống thiện lành thì dù tấm thân gặp phải cảnh bệnh đau, già, chết theo quy luật vô thường, con người vẫn có thể hạn chế hoặc vượt qua được nỗi đau nơi thân và nỗi khổ nơi tâm, cải thiện được tình trạng xấu đang gặp phải. Có rất nhiều trường hợp người già, người bệnh nhờ hành trì Phật pháp mà có được một tâm thế vững vàng, một tinh thần khỏe mạnh, một ý chí siêu thoát không bị thân bệnh hệ lụy, chẳng bị khổ đau chi phối và cái chết không còn là nỗi ám ảnh.
Để vượt lên nỗi đau bệnh tật, thoát khỏi nỗi lo sợ, ám ảnh do bệnh tật mang lại, việc điều trị bệnh bằng thuốc men, dinh dưỡng và các phương pháp trị liệu khác là cần thiết, nhưng trạng thái tinh thần không kém phần quan trọng, và sự tu tập thực hành Phật pháp trong sinh hoạt đời sống, trong việc cải đổi, chuyển hóa nhận thức, tư duy theo chiều hướng tích cực giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Phật pháp có năng lực trị liệu rất lớn thông qua niềm tin chơn chánh, sự hiểu biết đúng đắn và các phương pháp hành trì có giá trị thiết thực. Mọi người đều có thể chọn cho mình những phương pháp phù hợp để thực hành Phật pháp nhằm chuyển hóa tự thân và hoàn cảnh.
Ảnh minh họa. |
Trong kinh Tương ưng bộ (tập V) có ghi nhiều trường hợp các đệ tử của Đức Phật lâm trọng bệnh, nhờ nghe Pháp, thực hành Pháp mà vượt qua cơn trọng bệnh. Chẳng hạn như Tôn giả Ma-ha Ca-diếp (Mahā Kassapa) bệnh nặng, Đức Phật đến thăm và thuyết cho Tôn giả nghe về pháp Thất giác chi, nghe xong Tôn giả Ca-diếp đã khỏi bệnh. Có thể nhờ những cảm xúc tích cực, nhờ hỷ lạc trong khi nghe Pháp mà tâm người bệnh trở nên nhẹ nhàng, an ổn, cơ thể nhờ đó có những chuyển biến tích cực, chức năng miễn dịch bệnh tật hoạt động tốt.
Hoặc có những trường hợp nghe Pháp rồi, người bệnh hành trì chuyển hóa tâm, thay đổi tư duy, nhận thức và hành vi, lối sống, dẫn đến kết quả bất ngờ, tình trạng sức khỏe được cải thiện, bệnh tật bị đẩy lùi, như trường hợp Tôn giả Kỳ-lợi-ma-nan (Girimānanda) chẳng hạn. Trong kinh Tăng chi bộ có ghi, khi Tôn giả Kỳ-lợi-ma-nan bị bệnh, Đức Phật dạy Tôn giả quán các tưởng: tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra. Và sau khi thực hành chuyển hóa tâm, bệnh của Tôn giả Kỳ-lợi-ma-nan đã giảm. Nhờ công phu tu tập, nhờ tuệ giác quán chiếu mà vượt qua bệnh khổ.
Các bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam như cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cho biết, nhờ tu tập Phật pháp mà mấy mươi năm trước khi còn tu học ở các Phật học đường, các ngài chuyển hóa được thân bệnh vốn là chướng duyên trên con đường học đạo và hành đạo.
Riêng tôi từ nhỏ đã thường xuyên đau ốm, sức khỏe thể chất rất kém. Càng lớn tuổi, sức khỏe càng suy yếu hơn. Nhưng nhờ sớm gặp được Phật pháp từ những năm 12, 13 tuổi, được người bác là sư trụ trì một ngôi chùa ở vùng quê hướng dẫn hành thiền và học đạo lý. Đến nay tuổi gần 50, mấy mươi năm dù cuộc sống khó khăn và bệnh tật hoành hành, trải qua nhiều biến cố, lắm nỗi thăng trầm nhưng vẫn vượt qua được, thân không an ổn nhưng tâm không khổ não, trí vẫn luôn nhớ những gì đã được học từ kinh điển, từ các bậc thầy.
Tuy nhiều năm hành trì Phật pháp gặp rất nhiều chướng duyên và không ít lần lui sụt, nhưng rồi tôi cũng vượt qua được nhờ giữ vững đạo tâm và thấy được giá trị của sự hành trì Phật pháp. Tinh cần học Pháp và hành Pháp giúp tôi có được an lạc trong cuộc sống. Nhiều năm hành thiền chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, đưa thiền vào cuộc sống thường nhật giúp tôi có được sự bình an, vững chãi, vượt lên những phiền não khổ đau do thân và hoàn cảnh bất an mang lại. Chính vì thấy được diệu dụng của Phật pháp mà tôi thường chia sẻ với mọi người nhằm đem lại an lạc và góp phần làm giảm thiểu những khổ đau trong đời sống vốn nhiều bất an, khổ não. Việc làm này cũng để đáp đền ân Tam bảo: Đức Phật, giáo pháp và chư Tăng, tiếp nối chí nguyện của quý ngài.
Dù tu học theo truyền thống nào, tông phái nào, nếu có hành trì Giới - Định - Tuệ hay Bát Chánh đạo thì đều có được lợi lạc cho mình và mọi người. Nếu biết chỗ tinh yếu Phật pháp, cốt lõi của sự hành trì thì hành thiền hay niệm Phật, tụng kinh, lễ bái, sám hối, chấp tác, hoặc vận dụng Phật pháp vào các hoạt động đời sống hàng ngày đều giúp chúng ta trau dồi đạo đức (giới), thiền định (định) và trí tuệ (tuệ), cũng chính là Bát Chánh đạo - con đường an lạc, giác ngộ, giải thoát phiền não khổ đau.
Bên cạnh đời sống đạo đức, các pháp thiền định trên cơ sở chánh kiến mà Đức Phật đã dạy có công năng chữa trị tâm bệnh lẫn thân bệnh, giúp người bệnh thiết lập lại trạng thái quân bình cơ thể, ổn định tinh thần, làm chủ cảm xúc, thoát khỏi những trạng thái tâm lý tiêu cực như cảm giác bất an, lo lắng, sợ hãi, đau buồn, chán nản, khổ não và làm giảm thiểu những nỗi đau thể xác do bệnh tật mang lại.
Nhờ Phật pháp mà chúng ta nhận thức được bản chất thế gian, bản chất đời sống là vô thường, vô ngã, do duyên sinh nên luôn ở trong tình trạng biến đổi; hiểu rằng con người không thể làm gì khác hơn thái độ chấp nhận và thích nghi quy luật sinh, già, bệnh, chết cũng như mọi sự thay đổi của hoàn cảnh, điều kiện xung quanh. Nhận thức được điều đó sẽ dễ dàng chấp nhận, không có tâm lý bất mãn, kháng cự (không muốn chấp nhận sự thật già nua, bệnh tật, cái chết,…) một cách lực bất tòng tâm, một cách nhọc nhằn vô ích đối với những gì được xem như là quy luật. Thái độ thuận theo quy luật tự nhiên, bình thản trước sự vô thường khiến cho chúng ta nhẹ nhàng, bớt khổ, bớt não dù bất cứ hoàn cảnh nào.
Tóm lại, người có chánh kiến và có quá trình dày công tu tập Phật pháp, khi thành tựu định lực và tuệ giác sẽ trở nên vững chãi, tâm định tĩnh và trí sáng suốt hơn một người không có công phu tu tập. Khi đứng trước những biến cố vô thường, ngay cả khi bệnh tật và đối diện với cái chết, tâm người có tu tập vẫn an ổn, không hoang mang lo lắng, không sợ hãi, không khổ não. Càng buông bỏ, xả ly tâm tham muốn, chấp thủ; không luyến ái, không giận hờn, không nuối tiếc thì càng nhẹ nhàng, an ổn, thoát khỏi những khổ não nhọc nhằn. Do đó việc thực hành Phật pháp, sống đời sống thiện lành, có phạm hạnh giới đức, rèn luyện định tâm, phát huy tuệ giác là điều vô cùng cần thiết.