Tăng Ni, Phật tử cũng hòa vào dòng chảy đó, có nhiều hoạt động, phản biện tích cực, giới thiệu giáo lý và ứng dụng Phật giáo giúp ích cho nhiều người, làm nhiều người hiểu hơn về Phật giáo.
Tuy nhiên, trên không gian mạng, nhiều Tăng Ni, Phật tử tham gia bình luận về Phật giáo, nhân danh bảo vệ Phật pháp hoặc thầy mình, pháp môn mình… đôi khi đã có những lời lẽ thái quá, thiếu ái ngữ.
Cân nhắc mỗi lời bình luận
Bày tỏ ý kiến, chia sẻ quan điểm là quyền tự do của mỗi cá nhân trên cơ sở hiểu biết của mình và được tôn trọng. Nhưng việc bày tỏ quan điểm cũng là một sự tu tập để tránh gây tổn thương cho người được bình luận và gây khó chịu cho người vô tình đọc bình luận. Từ lâu, cư dân mạng đã dùng từ “ném đá” để chỉ cho những bình luận thiếu ái ngữ được người tham gia mạng xã hội đem ra làm vũ khí “đánh” một đối tượng nào đó.
Có lắm lúc, nhiều người chưa biết ất giáp của câu chuyện thực sự, chỉ thấy người ta chửi cũng nhào vô “ném đá” bằng những bình luận với ngôn từ khiếm nhã, trong khi sự việc chưa hẳn đã vậy. Có rất nhiều người chỉ mới đọc tựa bài viết, nghe loáng thoáng sự vụ đã vội vàng bày tỏ quan điểm một cách cực đoan. Có thể do ác cảm trước đó về đối tượng, tổ chức nào đó, nhưng cũng có thể vì thói quen thích nói những lời chứa năng lượng bực bội, khó chịu dành cho người khác.
Không khó để tìm thấy những bình luận như vậy trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, trong đó có cả những diễn đàn của Phật giáo. Mỗi khi có một sự vụ liên quan đến đời sống tu sĩ không đúng, nhiều người nhảy vào “vơ đũa cả nắm”, quy chụp về tu sĩ hiện nay thường thế này, thế khác. Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Đình Tạo, giảng viên Trường Đại học Y khoa Vinh, trong cái nhìn của một Phật tử đã chia sẻ, các cuộc chiến ảo trên mạng xã hội nhiều khi lại gây ra khổ đau thật cho mình và cộng đồng mạng.
“Trên Facebook, người này người kia sân si cãi vã nhau để bảo vệ ‘thầy tôi’, ‘chùa tôi’, ‘pháp môn của tôi’, suy cho cùng, cũng chỉ là bảo vệ cái bản ngã to đùng của mình thôi”, BS.Tạo nói.
Theo anh, khi bạn vào Facebook để tranh luận, dù là để bảo vệ cái gì đi chăng nữa, bạn đang là một “con ma” thất niệm. Điều này trái ngược với lời Đức Phật đã dạy: “Người trí trong ba canh/ Phải luôn luôn tỉnh thức”. Tỉnh thức, hay chánh niệm tỉnh giác là bạn phải biết rõ sự sanh diệt trong “Thân, thọ, tâm, pháp” của bạn. Biết rõ ràng trong từng sát-na.
ThS.BS Nguyễn Đình Tạo trong một lần khám bệnh từ thiện. |
Còn theo ĐĐ.Thích Tuệ Minh, Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Nghệ An, vấn đề sử dụng mạng xã hội cho đúng không chỉ dành riêng cho Phật tử mà của tất cả mọi người.
“Thứ nhất, chúng ta không thể làm thẩm phán để phán quyết cuộc đời ai đó khi mà thậm chí ta còn không biết và không sống cuộc đời của họ. Thứ hai, cần phải điều chỉnh lời nói tiêu cực, nghĩ trước khi phán xét một ai đó, cân nhắc trước khi làm anh hùng cào phím hay dư luận viên gõ đôi ba lời bình luận lên mạng xã hội mà không có kiểm chứng thông tin”, ĐĐ.Thích Tuệ Minh khuyên.
Và điều quan trọng, theo ĐĐ.Thích Tuệ Minh, hãy luôn có tâm biết tha thứ và bao dung để luôn động viên hay khích lệ điều tốt đẹp hoặc góp ý sẻ chia mang tính chất xây dựng những điều tiêu cực. Nhất là đối với các hình ảnh liên quan đến Tăng Ni - vì họ đại diện cho đời sống thanh tu, giải thoát - nên Phật tử đừng vô tình, cố ý xúc phạm chỉ vì thiếu hiểu biết, cảm xúc cá nhân cũng như tạo hiểu lầm đáng tiếc khi chưa có kiểm chứng chính xác.
Sử dụng mạng một cách chánh niệm
Cũng là người sử dụng mạng xã hội, ThS.BS Nguyễn Đình Tạo cho biết, hiếm khi bình luận các hình ảnh của các tu sĩ và các bình luận liên quan đến lĩnh vực khác.
Theo BS.Tạo, sở dĩ Facebook và các mạng xã hội khác phát triển rất mạnh vì ngoài khả năng thông tin còn thỏa mãn được hai nhu cầu xã hội lớn của con người đó là giúp mọi người thể hiện được cái tôi của mình và giúp kết nối cái tôi này với cái tôi khác khắp thế giới.
“Trên trang Facebook của mình, bạn có thể trở thành tất cả các loại ‘nhà’: nhiếp ảnh gia, kịch tác gia, thi sĩ, nhạc sĩ, nhà báo… theo khả năng và trí tưởng tượng của bản thân. Bạn thả ga phô diễn cầm, kỳ, thi, họa… mà không bị ai cấm đoán. Vào thế giới mạng xã hội, bạn có ngay một cuộc sống ảo, lung linh huyền ảo hơn cuộc sống thật bên ngoài. Bạn có thể kết nối bạn bè bất cứ tuổi tác, trình độ, văn hóa, quốc gia nào trên khắp hành tinh này”, anh Nguyễn Đình Tạo phân tích.
Do vậy, theo BS.Tạo, bản chất của Facebook và các mạng xã hội khác là thỏa mãn tâm lý con người với “cái tôi cá nhân”. Càng thích “tự sướng” trên mạng xã hội, chứng tỏ anh càng thích thể hiện bản thân, đề cao cái tôi cá nhân của anh trước mọi người. “Điều này trái ngược với chiều hướng tu hành của người Phật tử là: ‘Tịch tịnh, viễn ly’, là ‘Thúc liễm thân tâm’, ‘Quay trở về quán sát sắc, thọ, tưởng, hành, thức’, là sống hạnh độc cư, tịch tịnh, viễn ly”, BS.Tạo nói.
"Mỗi giờ lên Facebook là một giờ thất niệm, một giờ quý vị sống với tâm ma" - BS Tạo |
BS.Tạo kể, trước đây cũng hay viết lách trên Facebook, nhưng khi hiểu được lời Phật dạy thì vào mạng xã hội chủ yếu để nghe pháp mà không bình luận hình ảnh này nọ nữa.
“Kệ! Nghiệp ai để người ấy mang, mình không thay đổi được mảy may đâu mà, chỉ mở cửa cho sân si chạy vào tâm thức mình!”, BS.Tạo chia sẻ.
Nghe câu chuyện của BS.Tạo, người viết bài chợt nhớ đến một người bạn làm trong lĩnh vực công nghệ cho một tập đoàn lớn ở nước ngoài, và là Phật tử. Một ngày thấy anh ít đăng gì lên Facebook, chỉ dùng Zalo vì công việc. Hỏi thì bạn cho biết, muốn gác bớt những tương tác mà ở trên đó không tìm thấy nhiều điều hay, ngược lại dễ gặp những cuộc cãi vã mang danh bảo vệ Chánh pháp. Theo anh, bảo vệ Chánh pháp tốt nhất chính là mỗi người trở về tu chỉnh tự thân.
“Nếu sử dụng mạng xã hội như một công cụ chia sẻ Phật pháp thì nên lập ra những Fanpage đủ mạnh và chính xác về thông tin, giới thiệu Phật giáo và đạo Phật một cách có hệ thống để làm cơ sở cho người học Phật tìm hiểu, thực tập”, người bạn ấy chia sẻ. Còn việc mỗi cá nhân đưa lên các ý kiến cá nhân, bình luận “ném đá” một cách vô căn cứ trên mạng chỉ làm cho đời sống tâm linh mình thiếu chất, từ đó càng tham gia càng phiền não thêm.
“Tôi mạo muội góp ý các Phật tử chỉ nên vào mạng xã hội để nghe pháp. Có thể đặt câu hỏi đến các giảng sư khi mình chưa hiểu bài, gửi lời tri ân hoặc tán thán công đức đến các vị giảng sư đã truyền pháp cho mình và mọi người. Mỗi giờ lên Facebook là một giờ thất niệm, một giờ quý vị sống với tâm ma. Do đó, kính đề nghị các vị tu sĩ không dùng mạng xã hội, hoặc chỉ dùng để hoằng pháp, không đăng các hình ảnh cá nhân lên đó, làm Phật tử thất niệm thêm. Các bài đăng Facebook hoằng pháp nên khóa chế độ bình luận. Phật tử có thắc mắc, vấn đáp qua tin nhắn riêng sẽ lợi lạc cho bản thân và tránh làm ảnh hưởng đến người khác”, ThS.BS Nguyễn Đình Tạo bày tỏ.
"Quan sát, tôi thấy nhiều suy nghĩ, hành động và lời nói của con người được thể hiện thông qua các bình luận trong các tin, bài, hình ảnh có yếu tố tiêu cực và phản cảm. Những bình luận đó lại rất được chia sẻ và quan tâm rộng rãi với tốc độ chóng mặt, gây ra mất kiểm soát về mặt thông tin và kiểm chứng. Đặc biệt như vấn đề Phật tử bình luận về việc Tăng Ni thế này thế khác, thậm chí có thể vì bảo vệ vị này nhưng sẵn sàng xúc phạm và lăng nhục vị khác...
Theo chúng tôi, những thể hiện đó đều không phải của người Phật tử tại gia chân chính, có trách nhiệm hộ trì Phật pháp như chính bản thân họ từng phát nguyện trước Tam bảo khi quy y.
Tất nhiên, mạng xã hội có tính tự do, nên khó mà kiểm soát được những phát ngôn bình luận trên đó. Vì vậy, khi đăng hoặc bình luận bất kỳ một cái gì hay người nào đó (để công kích, chê bai họ) xin bạn hãy cân nhắc và suy nghĩ về điều đúng đắn nên làm ở đây là gì chứ đừng chỉ nói cho thỏa cơn sân si!".
ĐĐ.Thích Tuệ MinhPhó Văn phòng Ban HDPT T.Ư, Trưởng ban HDPT tỉnh Nghệ An
Theo Giác Ngộ