Ngược lại, không tích cực làm điều tốt đẹp mà còn phạm vào những điều xấu ác thì phước đức ngày càng tổn giảm. Khi phước đức suy giảm đến cùng kiệt thì mọi thứ sụp đổ. Nặng thì mất thân mạng, vừa thì thân bại danh liệt, nhẹ thì trắng tay.
Pháp thoại dưới đây Thế Tôn dùng hình ảnh chiếc chày gỗ bị mòn dần theo năm tháng để liên tưởng đến chuyện phước đức bị hao mòn. Khi chày gỗ hao mòn đến mức không thể sử dụng thì người ta vứt bỏ.
Cũng vậy, khi phước đức tổn giảm thì mọi thứ ta đang có đều tiêu tan. Không hề có hên xui may rủi hay ai đó trừng phạt mà chính phước đức của mình đã cạn. Như đèn sắp hết dầu sẽ leo lét và sau đó vụt tắt. Như pin điện thoại khi sử dụng sẽ cạn dần, nếu không sạc kịp thời thì điện thoại sẽ tắt nguồn, vô dụng.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Thí như cái chày gỗ thường dùng không thôi, lâu ngày mòn dần. Cũng vậy, Tỳ-kheo! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn từ trước đến nay không đóng chặt các căn, ăn uống không biết chừng mực, đầu đêm cuối đêm không tinh cần tỉnh giác tu tập thiện pháp; nên biết hạng người này trọn ngày bị tổn giảm, thiện pháp không tăng, như cái chày gỗ kia.
- Này các Tỳ-kheo, thí như cây ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-mâu-đâu, phân-đà-lợi mọc ở trong nước, lớn lên trong nước, theo nước tăng trưởng. Cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn nào khéo đóng các căn môn, ăn uống biết chừng mực; đầu đêm cuối đêm tinh cần tỉnh giác, công đức thiện pháp ngày đêm tăng trưởng. Cần phải học như vậy.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
Phước đức hỗ trợ người tu. Với người tu (Sa-môn, Bà-la-môn), phước đức suy giảm vì “không đóng chặt các căn, ăn uống không biết chừng mực, đầu đêm cuối đêm không tinh cần tỉnh giác tu tập thiện pháp”. Không chế ngự các căn, duyên theo sáu trần rồi dính mắc, tham ái sinh khởi, tổn phước và khổ não bắt nguồn từ đây. Thành ra, chánh niệm tỉnh giác khi căn tiếp xúc với trần để tránh phát sinh phiền não là cách bảo tồn phước đức.
Ăn uống có chừng mực là cách hay nhằm gìn giữ phước báo. Ăn uống là điều tất nhiên để duy trì mạng sống. Tuy vậy có nhiều quan niệm khác nhau về sự ăn uống, ăn để sống hay sống để ăn cũng là vấn đề đáng bàn.
Người nào giản đơn và tùy thuận trong ăn uống sẽ thanh thản, kiệm phước hơn. Trọng tâm của việc ăn uống là có sức khỏe. Phước đức sẽ tổn giảm khi quá đam mê ăn uống, ưa thích sự cầu kỳ và trải nghiệm các hình thái ẩm thực mới lạ vì mất thời gian và công sức, thậm chí phát sinh bệnh tật do ăn uống thiếu chừng mực.
Không cần tỉnh giác là căn nguyên của tổn giảm phước đức. Tỉnh giác là trạng thái rõ biết về thân tâm trong hiện tại. Năng lực rõ biết giúp chúng ta nhận chân được thiện ác để điều chỉnh, chuyển hóa kịp thời. Tất cả pháp lành có được đều nhờ vào khả năng tỉnh thức. Do vậy, để nuôi lớn thiện căn công đức mỗi người con Phật cần chú ý phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống và chánh niệm tỉnh giác.