Sự cần thiết của tu tập

Sự cần thiết của tu tập

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Năm 1971, 24 sinh viên Trường Đại học Stanford (một trong 8 trường Ivy League top đầu nước Mỹ) tham gia vào một thí nghiệm do nhà nghiên cứu Phillip G. Zimbardo tiến hành để kiểm tra sức mạnh tiềm thức của con người 1.

Các sinh viên này được chia thành hai nhóm đóng hai vai, quản ngục và tù nhân. Ban đầu thí nghiệm dự trù thực hiện trong 2 tuần, nhưng khi các sinh viên gặp phải các vấn đề tâm lý bất ổn, thí nghiệm buộc phải dừng lại sau 6 ngày. Nguyên là những sinh viên xuất sắc và hiền lành, nhưng khi được mặc những bộ đồ “đúng vai” và sống trong những không gian được ấn định, các “sinh viên cai ngục” dần dần trở nên hung hãn, tàn bạo, trong khi các “học sinh tù nhân” thì bỗng chốc trầm cảm, suy sụp tinh thần.

“Chúng tôi muốn thấy những tác động tâm lý được thiết lập một nhà tù mô phỏng, để thấy những tác động của thể chế này đối với hành vi của tất cả mọi đối tượng trong phạm vi của nó”- Zimbardo nói. Nghiên cứu này cho rằng con người có thể vô thức tiếp nhận các vai trò và ý niệm rằng động lực cho cái ác là những điều bình thường.

Cũng vậy, nếu nhìn nhận về nạn diệt chủng của Đức quốc xã, thì tại sao việc giết 6 triệu người Do Thái lại dễ dàng và lại xảy ra tại nước Đức? Lẽ nào là vì người Đức là tộc người máu lạnh và tàn ác nhất thế giới?

Trong cuốn tự truyện Mein Kampf, Adolf Hitler đã tự hào tài hùng biện của mình là một thành công, rằng: “One thing all the champions with ink-stained fingers and fools of today should take to heart is that the great upheavals in this world have never been guided by a pen... Since the beginning of time, the force that started the great religious and political landslides of history has been the magic power of the spoken word alone. The great masses of a people yield only to the force of speech.…Only the possessor of passion can give the words that will open the gates to a people’s heart like a hammer...”2 (Một điều mà mọi nhà vô địch với ngón tay vấy mực và những kẻ ngu ngốc ngày nay nên nhớ là những biến động lớn trên thế giới này chưa bao giờ đi ra từ một cây bút... những trận lở đất chính trị của lịch sử chính là từ sức mạnh kỳ diệu của lời nói mà thôi. Đại chúng chỉ khuất phục trước sức mạnh của lời nói... Chỉ người sở hữu niềm đam mê mới có thể dùng lời nói để mở ra cánh cổng vào trái tim con người như một cái búa…).

Trong hơn 5.000 bài phát biểu có sức thuyết phục, bậc thầy hùng biện nhất mọi thời đại này đã hứa với những thính giả của mình rằng đế chế Đức sẽ ngự trị trong một ngàn năm và khiến họ phục tùng chế độ phát xít như những kẻ ám muội. Khi mặc vào bộ quân phục và được cho là anh hùng dân tộc, nghe những bài hùng biện hào hùng đầy mê hoặc, các quân dân Đức cùng tâm lý đám đông, mặc nhiên trở thành con rối, tuân lệnh thảm sát hàng vạn người Do Thái mà không hề mảy may động tâm.

Trên đây là hai ví dụ điển hình của một dạng tâm lý con người mang tên “power of situation”- sức mạnh của hoàn cảnh, được đề cập trong cuốn Bạn không thông minh lắm đâu (You are not so smart)3 của David McRaney, nói về sức mạnh của tiềm thức con người. Con người thông thường nghĩ rằng mình dùng suy nghĩ ý thức để quyết định và xử lý các công việc hàng ngày, nhưng thực chất tiềm thức, phần não vô thức, lại chi phối tất cả.

Qua hai ví dụ trên, khi được đặt vào những hoàn cảnh đặc biệt để hành động độc ác, trái hẳn với bản tính hiền lành thông thường, con người không còn dám chắc chắn tuyên bố mình là một người tốt nữa. Mình không giết ai, đánh ai, chửi bởi ai nên mình là một người công dân tốt, thậm chí là một Phật tử tốt, có thật chắc? Câu trả lời hoàn chỉnh nên từ hai vế: tôi sẽ không làm việc xấu, nếu được đặt trong trường hợp…

Bình yên trong hoàn cảnh thuận lợi không đồng nghĩa con người sẽ an ổn trong lúc cấp bách và khó khăn. Khi gặp sư tử, con người tự động sẽ nhảy lên cây để tránh nạn. Câu hỏi đặt ra là bạn có dám cứu mẹ mình ở bên dưới và để cho sư tử ăn thịt mình không? Hành động bản năng sinh tồn hay là đạo đức? Sức mạnh của hoàn cảnh dường như phá hủy mọi lề thói của tư duy và đạo đức. Lúc này, thứ chi phối hành động của con người chỉ là tiềm thức.

Trong Thắng pháp tập yếu luận, hình ảnh một người ngủ dưới gốc xoài bị thức giấc do một quả xoài rụng dùng để ví cho sự xúc chạm 6 trần lên 6 căn, tác động vào tâm hữu phần Bhavanga qua các giai đoạn sát-na tích tắc của dòng tâm4. Ngay khi tiếp cảnh, một loạt các tâm: tâm tiếp thọ, suy đạc, xác định… sinh lên liên tục, tốc hành tâm Javana rung 7 lần rồi quay lại dòng hữu phần Bhavanga ban đầu liên tục chảy dù con người đang ngủ.

Dòng Bhavanga này chính là tàng thức, mang các dấu ấn của hạt giống nghiệp mà Duy thức gọi là Alaya, để quyết định cho kiếp tái sinh tiếp theo, tức nhiên rõ rệt nhất là thông qua ý nghiệp. Trong Nghiệp và quả của Nghiệp5, Hòa thượng Hộ Pháp nêu ra phân loại nghiệp, cho thấy nghiệp thường-hành và nghiệp cận tử quyết định cho tâm tử tái sinh mạnh nhất. Như trường hợp hoàng hậu Malika khi lâm chung nhớ lại tâm tham dục, lập tức bà bị sinh vào địa ngục 7 ngày, là một ví dụ của nghiệp từ tàng thức khởi lên bất chợt vào lúc cận tử đưa đi tái sinh không thể đoán định.

Chúng ta không thể đơn giản dựa vào những hành nghiệp hàng ngày để cho rằng giữ gìn cấm giới (5 giới, 10 giới) là đảm bảo an toàn cho một kiếp tái sinh ở vị lai. Kinh Tương ưng bộ, Đức Phật dùng một ít đất trên đầu móng tay và nói với các Tỷ-kheo: Chúng sinh được tái sinh làm người ít như trên đầu móng tay ta, còn những chúng sinh phải tái sinh về ác thú, đọa xứ như đất trên địa cầu6.

Hành giả, một khi chưa chứng thánh đạo tuệ, không thể nào biết được nghiệp và các quả nghiệp của mình trong quá khứ và kiếp vị lai. Tâm chứa đựng những hạt giống chủng tử cả thiện và bất thiện từ nhiều kiếp, âm thầm ngủ ngầm và chỉ đợi đủ điều kiện (duyên) để phát khởi.

Hiểu được sức mạnh của hoàn cảnh với khả năng thúc giục tâm ác của con người, điều duy nhất mà một Phật tử có thể làm là liên tục trau dồi phước thiện và hồi hướng cho thiện pháp mình làm được sẽ là nhân để tiếp tục gặp duyên tốt, quả tốt và hướng lên nẻo giải thoát. Ví như thân cây nghiêng, khi bị chặt sẽ đổ xuống theo hướng nghiêng trước đó, phước thiện liên tục vun bồi tạo thành thường nghiệp và “đà” cho nghiệp thiện lấn át và vượt trội hơn các nhân ác trong tàng thức. Như bài kinh Tương quan phước tội trong kinh Na Tiên Tỳ-kheo có ghi:

“… Cũng vậy là tội và phước cùng sự tương quan giữa phước và tội, tâu Đại vương! Một viên đá dù bé như hạt tiêu nó vẫn bị chìm xuống nước. Tương tự vậy, có người làm việc ác, dù chỉ một lần, như giết sinh mạng loài hữu tình; thì ác nghiệp ấy có sức nặng đưa chúng sinh đầu thai vào các cảnh giới đau khổ như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la. Vài trăm viên đá lớn mà không chìm là nhờ có ghe lớn chở. Cũng giống thế, một người làm việc ác trọn đời nhưng nhờ tưởng nghĩ đến ân đức của Phật, tâm người ấy trú vững chắc và hoan hỷ ở trong ân đức ấy; nhờ vậy, chính nhờ thiện tâm nâng đỡ - như chiếc ghe lớn - người ấy được sinh thiên cũng là điều hiển nhiên thôi”7.

Chúng ta đã không thể thay đổi nghiệp quá khứ, nhưng có thể thay đổi tương lai. Nên khi vẫn còn đang sống giữa một xã hội lành thiện, bao quanh bởi các duyên tốt của Chánh pháp, người Phật tử mỗi ngày, mỗi phút giây đều hướng Phật, tận dụng các cơ hội tốt đẹp này để tiếp tục hướng thiện, ươm mầm chủng tử tâm tốt. Như thế, một tương lai cho thiện thú và thiên giới sẽ không còn là điều viển vông và bất khả đắc nữa.

Tin cùng chuyên mục