Tấm gương sáng ngời của Thiền sư Bá Trượng

Tấm gương sáng ngời của Thiền sư Bá Trượng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Tổ Bá Trượng (“Bá trượng” nghĩa là một trăm trượng) là một thiền sư đắc đạo, là vị thầy dạy đạo, đức độ đến cả chư thiên còn phải kính nể, dưới ngài là chín trăm đệ tử xuất gia.

Người có trí tuệ thì tính được cái tội - phước của mình hàng ngày cực kỳ tinh tế khắt khe. Nên những vị chân tu, nhất là những Hòa thượng tu hành lâu năm, đời sống hết sức đạo hạnh là những người cẩn trọng điều tội phước nhất.

Dù các vị được mọi người cung kính lễ bái, không cần làm gì nhiều vẫn được cúng dường chu đáo, nhưng trong tâm các vị luôn dè dặt đong đếm tội phước mỗi ngày. Các vị đếm từng hạt cơm mình ăn, xem ngày hôm nay mình ăn bao nhiêu cơm, uống bao nhiêu nước, đã làm gì có lợi cho đời hay chưa.

Như tổ Bá Trượng (“Bá trượng” nghĩa là một trăm trượng) là một thiền sư đắc đạo, là vị thầy dạy đạo, đức độ đến cả chư thiên còn phải kính nể, dưới ngài là chín trăm đệ tử xuất gia. Ngài trụ trì ngôi chùa nằm trên vùng núi cao rất đẹp nhưng lại xa xôi hẻo lánh nên ít có Phật tử tìm đến cúng dường. Tăng chúng thường phải tự tăng gia sản xuất, trồng trọt lấy lúa gạo mà ăn. Mỗi sáng những người khỏe mạnh đi làm việc đồng áng nặng nhọc, còn Tổ cũng kêu đệ tử để riêng cho mình một cái cuốc, rồi lặng lẽ ra cuốc đất trồng rau, cho đến năm tám mươi tuổi vẫn vậy.

Một lần, các đệ tử vì thương thầy quá, muốn thầy nghỉ ngơi bèn mang giấu cây cuốc của ngài đi. Sáng sớm bước ra cửa không nhìn thấy cây cuốc, ngài liền quay vào đóng cửa ở trong cốc luôn, đến giờ ăn không ra. Các đệ tử ở ngoài gõ cửa mãi mà thầy mình vẫn không trả lời, nên quỳ xuống sám hối, Tổ mở cửa ra nói một câu: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”-một ngày không làm, một ngày không ăn.

Lời dạy ngắn gọn của Tổ đã trở thành bài học muốn đời cho chúng ta. Dù là một thiền sư đắc đạo, giáo hóa rộng rãi, công đức thật lớn lao vậy mà Tổ vẫn đếm từng hạt cơm mình ăn, từng việc mình làm mỗi ngày.

Tổ Bá Trượng là tấm gương muôn đời cho tất cả chúng ta. Có thể bây giờ mình đã lớn tuổi, được con cháu phụng dưỡng, có lương hưu, có tài sản tích lũy. Nhưng mỗi ngày ta cũng đừng quên tính toán nhân quả tội phước, ngày nào cũng cố gắng làm điều gì đó xứng đáng với bát cơm mình ăn.

Có người nói rằng: “Tôi không thể cuốc đất như ngài Bá Trượng”. Thật ra ta không nhất thiết phải cuốc đất hay lao động mới được gọi là làm, miễn là ta có cống hiến điều gì cho cuộc đời là được.

Như người lớn tuổi rồi thì có thể cống hiến bằng uy tín, bằng tinh thần, bằng những lời răn dạy khuyên bảo đạo đức cho lớp trẻ trong làng xóm, khu phố. Thấy tảng đá nằm giữa đường, mình khiêng không nổi thì nhờ thanh niên làm. Qua đó mình cũng giúp các em hiểu điều phúc tội, đó là giá trị tinh thần của người lớn.

Tin cùng chuyên mục