Một thời Phật du hóa tại Na-lan-đà, ở xóm Tường, rừng Nại. Bấy giờ A-tư-la thiên có người con là Già-di-ni, sắc tướng uy nghi, chói sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nơi Đức Phật, cúi lạy dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Già-di-ni, con trời A-tư-la bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, các người Phạm chí cao ngạo tự cho ngang bằng trời. Họ cho rằng, nếu có chúng sanh nào mạng chung, họ có thể làm cho tự do qua lại các thiện xứ, sanh lên cõi trời. Thế Tôn là Pháp chủ, mong Thế Tôn làm cho chúng sanh khi mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.
Thế Tôn bảo rằng:
- Này Già-di-ni, người ấy đối với việc sát sanh, đã xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết. Đó là con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.
- Này Già-di-ni, cũng vậy đối với sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, xa lìa tà kiến, được chánh kiến. Đó là con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.
- Này Già-di-ni, lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ. Thế nào là lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ? Đó là tám chi thánh đạo. Từ chánh kiến cho đến chánh định; đó là tám. Này Già-di-ni, đó là lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.
Đức Phật thuyết như vậy. Già-di-ni và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh Già-di-ni, số 17 [trích])
Ở đoạn trước của bản kinh, Đức Phật dạy chuyển hóa mười ác nghiệp thành mười thiện nghiệp, giữ vững năm giới, có chánh kiến đồng thời thành tựu tịnh tín, tinh tấn, đa văn, bố thí và trí tuệ thì chắc chắn được sinh vào các cõi lành.
Đoạn này, Đức Phật đã chốt lại con đường vườn hoa, con đường thiện xứ là tu tập tám chi phần thánh đạo. Như vậy, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là pháp hành căn bản của Phật giáo.
Chánh kiến là hiểu biết chân chính, quan điểm đúng đắn, nhận thức sáng suốt trên nền tảng trí tuệ vô thường-khổ-vô ngã, dẹp tan mê tín và tà kiến. Chánh tư duy là suy nghĩ đúng đắn về nguyên nhân của khổ là do tham ái và vô minh; suy tư hướng đến xa lìa tham dục, sân hận và tổn hại. Chánh ngữ là nói lời chân thật và thiện lành không hư dối, không thô ác, không chia rẽ, không dua nịnh. Chánh nghiệp là mọi tác nghiệp của thân khẩu ý trong đời sống cần phải chân chính. Chánh mạng là nuôi mạng chân chính, mưu sinh bằng nghề nghiệp thiện lành. Chánh tinh tấn là cố gắng thực hành các pháp lành, nỗ lực đoạn trừ các pháp ác. Chánh niệm là nhớ nghĩ chân chính, chú tâm vào đề mục thiện pháp, đặc biệt là của Tứ niệm xứ. Chánh định là tập trung chân chính, xa lìa năm triền cái bằng cách phát triển năm thiền chi, và thành tựu từ sơ thiền đến tứ thiền.
Như vậy, đối với người tu chuyển nghiệp thì tám chi phần thánh đạo sẽ giúp thành tựu phước báo để sinh về các thiện xứ, cõi lành. Đối với người tu dứt nghiệp thì Bát Thánh đạo sẽ giúp thăng tấn, viên mãn giới-định-tuệ, chứng đắc các Thánh quả, thành tựu giải thoát, Niết-bàn.
Theo Báo Giác Ngộ