Theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, chư vị Bồ-tát tùy loại ứng hiện thân, nghĩa là mang thân hình nào có thể giúp cho nhiều người hướng thiện, an vui, giải thoát thì các Ngài hiện diện với thân hình đó; vì các vị Bồ-tát xem thân vật chất này như chiếc áo mặc bên ngoài, hay một phương tiện để thực hiện sáu pháp Ba-la-mật của Bồ-tát hạnh.
Thời Đức Phật tại thế, bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng với hàng trăm cung nữ ở thành Ca-tỳ-la-vệ đã được Đức Phật cho xuất gia và về sau, cũng đã có những vị Tỳ-kheo-ni chứng đắc từ Sơ quả cho đến quả vị A-la-hán. Như vậy, giáo đoàn của Đức Phật đã công nhận sự hiện diện của hàng Tỳ-kheo-ni; nói rộng hơn, Đức Phật còn công nhận cả hàng cư sĩ tại gia có thể làm công việc cứu nhân độ thế của Bồ-tát.
Có thể nói, theo kiến giải của kinh điển Đại thừa thì hàng tứ chúng của Đức Phật gồm có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều được coi là hiện thân Bồ-tát nối gót theo Phật để tự rèn luyện bản thân thăng hoa, vừa làm lợi ích cho cuộc đời.
Và kinh Hoa nghiêm, một bộ kinh lớn của tư tưởng Đại thừa, đã thể hiện rõ nét tinh thần này qua hình ảnh của Thiện Tài đồng tử cầu đạo với 53 vị thiện tri thức, trong đó có hàng nữ giới như Tỳ-kheo-ni Sư Tử Tần Thân và các nữ cư sĩ như Hưu Xã Ưu-bà-di, Từ Hạnh đồng nữ, Cụ Túc Ưu-bà-di, Bất Động Ưu-bà-di, và bà Tu Mật Đa.
Kinh Hoa nghiêm đã giới thiệu những phụ nữ tại gia và xuất gia làm được những việc khó làm đến mức gọi là bất khả tư nghì mà hàng nam giới bình thường không làm được. Nói cách khác, kinh điển Đại thừa nhấn mạnh đến năng lực tiềm ẩn vô cùng vô tận trong con người, kinh gọi là bí mật tạng, nếu biết phát huy đúng đắn khai thác trọn vẹn. Tỳ-kheo-ni Sư Tử Tần Thân và các Ưu-bà-di, mà kinh đưa ra là những người đã nhận ra và phát huy được năng lực vô song của chính mình, mới trở thành mẫu người siêu việt được kinh điển Đại thừa đề cao.
Từ xa xưa, hàng nữ giới tu hành vào thời Đức Phật tại thế, cho đến mẫu người phụ nữ được ghi lại trong kinh điển Đại thừa thể hiện được hiểu biết trong sáng, năng lực siêu tuyệt và đạo hạnh đáng kính ngưỡng như vậy. Đến đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, có các vị Ni làm nên đạo nghiệp phải kể đến Sư bà Diệu Tịnh, Sư bà Diệu Không, Ni trưởng Như Thanh… đã khởi đầu cho việc hình thành và phát triển của Ni giới Việt Nam. Và đến nay, chư Ni đã xây dựng được giáo đoàn lên đến hàng vạn người.
Riêng hệ phái Khất sĩ cũng có những vị Ni nổi danh như quý sư bà Huỳnh Liên, Bạch Liên, Tạng Liên... đã thành lập được Ni giới Khất sĩ dấn thân trên mọi nẻo đường đời để truyền bá Chánh pháp, cứu độ rất nhiều người. Điều này chứng tỏ năng lực giáo hóa của chư Ni Việt Nam rất đáng kể ở thế kỷ XX.
Có thể nói ngày nay, số lượng chư Ni ở Việt Nam đông hơn chư Tăng, trong đó có nhiều vị tốt nghiệp học vị cao ở trong và ngoài nước. Vì vậy, thiết nghĩ chư Ni có thể tham gia vào mọi lãnh vực hoạt động; nhưng quan niệm Tiểu thừa trong giới Tăng Ni, Phật tử không phải không còn, nghĩa là quan niệm phân biệt giới tánh và phân biệt hình thức tu tại gia và xuất gia vẫn còn rất mạnh, nên không thấy được năng lực siêu việt tiềm ẩn trong từng con người. Chính điều này đã tạo ra một sức cản lớn cho tầm hoạt động của chư Ni và giới cư sĩ ở Việt Nam.
Chúng tôi mong rằng trên bước đường thắp sáng ngọn đèn trí tuệ của Đức Phật, cần có cái nhìn đúng với sự thật để phát huy được nhận thức trong sáng và năng lực làm lợi ích cho đời, làm đẹp cho đạo, không luận là hàng nữ lưu hay nam giới, bất kể là người xuất gia hay tại gia, theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm đã gợi mở. Có như vậy, chúng ta mới tận dụng được chất xám của tất cả mọi người thuộc mọi thành phần xã hội, vừa thể hiện được chân lý bình đẳng của Đức Phật dạy, vừa xây dựng thế giới Ta-bà được an vui và phát triển bền vững.