Nơi "chữa lành" của người yêu thiên nhiên
Chùa Prochum Meáp Chhưm (còn gọi là chùa Krăng Krốch) tọa lạc ấp An Hòa, xã Châu Lăng, H.Tri Tôn, An Giang. Điểm độc đáo của ngôi chùa Khmer này là có 2 hàng còng cổ thụ với hàng trăm cây dẫn từ cổng vào khuôn viên chùa; cây nào cũng có gốc to khoảng 2 - 3 người ôm mới xuể.
Các cây còng đều có dáng thế uốn lượn mềm mại, nhánh vươn dài kết nối vào nhau, tạo thành mái vòm thiên nhiên, che mát con đường. Chính vì vậy mà nhiều tín đồ Phật giáo và người yêu thiên nhiên rời xa phố thị náo nhiệt, ồn ào, tìm đến đây để "chữa lành".
Cổng chùa Khmer miền Tây. |
Khác với nhiều ngôi chùa cổ kính ở vùng Bảy Núi, chùa Prochum Meáp Chhưm khi tu sửa được sơn lại màu hồng rực rỡ kết hợp màu vàng bắt mắt, trở thành điểm đến thú vị của du khách. Từng hoa văn trên tháp đến những họa tiết ở cửa, vách tường chùa đều trang trí tinh xảo. Mặc dù sơn lại nhưng chùa vẫn giữ được lối kiến trúc đậm nét Khmer Nam bộ, pha trộn giữa hiện đại và truyền thống.
Sư Chau Atit Kươn, trụ trì chùa cho biết, chùa xây dựng năm 1608. Những câu chuyện về lịch sử nhà chùa cũng như hàng còng cổ thụ và đều được các sư đời trước ghi lại. Thuở trước, khu vực xung quanh chùa có hàng trăm cây bưởi rừng mọc bít lối đi. Để vào được chùa, Phật tử phải lội ruộng hàng cây số, rất vất vả. Từ những bất tiện này, năm 1965, vị sư trụ trì lúc đó là Hòa thượng Khunh Sa Ríth đã vận động Phật tử hiến đất ruộng để làm đường đi vào chùa. Khi con đường hoàn thành, hòa thượng cho trồng rất nhiều cây còng.
Theo thời gian, điểm nhấn làm nên danh tiếng của chùa Krăng Krốch chính là hàng còng cổ thụ trồng đều tăm tắp hai bên lối đi, như dẫn lối vào một thế giới cổ kính, tĩnh lặng. Đặc trưng này khiến mọi người gần như quên tên thật của chùa, mà chỉ gọi tên gần gũi là "chùa hàng còng". Đây cũng là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và công trình tôn giáo. Mỗi cây còng, với tán lá rộng và bộ rễ xù xì bám chặt vào lòng đất như minh chứng cho sự trường tồn qua thời gian.
Trước khi viên tịch, Hòa thượng Khunh Sa Ríth căn dặn các sư trong chùa phải bảo vệ hàng cây còng. Từ di nguyện đó, cũng như mong muốn giữ kỷ niệm của hòa thượng, qua các đời sư trụ trì chùa đều hết lòng giữ lại hàng còng vốn có; đồng thời trồng thêm nhiều cây khác, tạo cảnh quan thiên nhiên cho chùa.
Trải qua hơn 400 năm, ngôi chùa Khmer mang tên Prochum Meáp Chhưm vẫn giữ được nét kiến trúc tinh xảo của người xưa. |
Đến nay, một số cây còng già cỗi chết đi, hiện còn khoảng 100 cây. Những cây đang tồn tại đều rất khỏe, cứ vươn mình, chẳng cần công người bón phân, tưới nước. Mỗi cây cao hơn 15 m, cành tỏa rộng như chiếc ô lớn, bộ rễ cắm sâu và rộng, bám chặt vào đất. Các Phật tử thường đến quét dọn lá hoặc cắt tỉa cành khô, mục. Riêng một số cây mục ruỗng phần thân thì phải cưa bỏ để đảm bảo an toàn cho du khách đến viếng chùa. Các cây này sau đó được chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ và trưng bày trong khuôn viên chùa.
Ngoài vẻ uy nghiêm thường thấy của các ngôi chùa Khmer, chùa Krăng Krốch nổi bật với sắc hồng bao phủ từ các bức tường. Sự phối màu tinh tế này không chỉ tạo cảm giác thanh tịnh mà còn mang đến sức hút thị giác để nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh.
Con đường với hàng cây còng kết hợp cùng chánh điện màu hồng là điểm nhấn nổi bật của khuôn viên chùa đã xuất hiện trong nhiều bộ ảnh check-in từ các bạn trẻ đam mê du lịch An Giang. Cảnh đẹp của hàng còng còn thu hút đông đảo thanh niên, khách du lịch tìm đến chụp ảnh, tham quan. Không ít cặp đôi cũng lựa chọn đến chùa để chụp ảnh cưới.
Nhiều đài truyền hình đến làm phim tư liệu, quay chương trình ca nhạc; các nhiếp ảnh gia khắp nơi cũng tìm về để lưu lại nét đẹp của ngôi chùa này.
Anh Quốc Khải (24 tuổi), một nhiếp ảnh đến từ TP.Cần Thơ, cho biết: "Vùng đất An Giang có sức hút đặc biệt đối với những người đam mê nhiếp ảnh, bởi cảnh vật hoang sơ, người dân thân thiện. Điều tôi ấn tượng là ngôi chùa Krăng Krốch với hàng còng cổ thụ đan xen tạo thành mái vòm xanh. Nhiều khách của tôi cũng rất thích vẻ đẹp của chánh điện phủ sắc hồng nên thường 'book' chụp ảnh cưới ở đây. Đặc biệt, những cặp đôi là người dân tộc Khmer, khi khoác lên bộ đồ truyền thống để chụp ảnh cùng khung cảnh nơi đây thì tuyệt đẹp và ý nghĩa vô cùng".