Vì sao một số người tu hành bị suy thoái tịnh pháp?

Vì sao một số người tu hành bị suy thoái tịnh pháp?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khi tu hành được một thời gian, có người thì ngày càng tăng trưởng đạo lực, Giới - Định - Tuệ thêm lớn nhưng ngược lại có người thì suy giảm, thối thất.

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử nói với các thầy Tỳ-kheo:

- Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được nghe pháp chưa từng nghe; pháp đã nghe thì lại quên mất. Giả sử có pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi tuệ, nhưng vị ấy không nhớ lại và không thấu hiểu. Này chư Hiền, đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni suy thoái tịnh pháp.

- Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni pháp chưa nghe thì được nghe; pháp đã nghe thì không quên mất. Giả sử có pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi tuệ, rồi vị ấy thường ghi nhớ và thấu hiểu, thì đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tăng trưởng tịnh pháp".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Vô, số 96 [trích])

Pháp thoại này nói về tình trạng của người tu đang suy thoái hay tăng trưởng tịnh pháp. Tịnh pháp có nghĩa là pháp thanh tịnh, pháp giải thoát hay Chánh pháp. Khi tu hành được một thời gian, có người thì ngày càng tăng trưởng đạo lực, Giới - Định - Tuệ thêm lớn nhưng ngược lại có người thì suy giảm, thối thất.

Theo ngài Xá-lợi-phất (Xá-lê Tử), vị Tướng quân Chánh pháp, sự suy thoái tịnh pháp của người tu dựa vào các biểu hiện sau:

Thứ nhất là “không được nghe pháp chưa từng nghe”. Học pháp là một trong những điều kiện then chốt để biết được đường tu. Mỗi giai đoạn tu tập cần trang bị những hiểu biết giáo pháp tương ứng. Càng tu cao thì chướng ngại càng nhiều, phiền não và chấp thủ càng tinh vi hơn. Vì thế, những ai vì nhiều lý do khác nhau mà dừng lại, không tiếp tục học pháp thì đó là biểu hiện của sự suy thoái.

Thứ hai là “pháp đã nghe thì lại quên mất”. Trừ những người có trí lực tốt, nghe pháp thuộc nhanh, nhớ kỹ, không quên, còn lại phần lớn cần phải trùng tụng, ôn luyện, trau dồi. Tụng kinh hàng ngày hay mỗi tháng có hai kỳ bố-tát đọc tụng giới luật cũng không ngoài mục đích ghi nhớ pháp.

Nhờ tụng đọc liên tục nên pháp ngày càng thấm sâu vào tâm khảm, thông suốt cả văn lẫn nghĩa. Mặt khác, nhờ áp dụng pháp vào đời sống thường nhật nên thường ứng xử đúng như pháp. Cả hai phương cách tụng đọc và thực hành được trau dồi đến thuần thục khiến cho nhớ pháp như in, nằm lòng. Làm được như vậy là tăng trưởng tịnh pháp, còn học trước quên sau là dấu hiệu của suy thoái.

Thứ ba, “pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi tuệ, nhưng vị ấy không nhớ lại và không thấu hiểu”. Đây là biểu hiện tiếp theo của sự suy thoái tịnh pháp. Sự tu hành như cọ cây lấy lửa, như chèo thuyền đi ngược nước, không thể dễ duôi, không dược dừng lại mà phải tiếp nối, liên tục. Pháp sau phát triển, tăng tiến phải dựa vào nền tảng của pháp trước.

Giới - Định - Tuệ cần tăng trưởng không ngừng. Giới cần tuần tự thọ nhận từ 5 giới đến 10 giới, cho đến 250 giới. Định bắt đầu từ sự chú tâm, chánh niệm, tỉnh giác cho đến Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Tuệ cần phát triển từ Tưởng tri, Thắng tri, Tuệ tri cho đến Liễu tri. Chính sự ghi nhớ và thấu hiểu các pháp đã tu sẽ kiến tạo nền tảng vững chắc, tích lũy thêm kinh nghiệm và củng cố đạo lực để tu lên bậc cao hơn cho đến giác ngộ hoàn toàn.

Với người mà “pháp chưa nghe thì được nghe; pháp đã nghe thì không quên mất. Giả sử có pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi tuệ, rồi vị ấy thường ghi nhớ và thấu hiểu” là đang tăng trưởng tịnh pháp, tu tập ngày một đi lên. Nên người tu cần nghe pháp chưa nghe, trau dồi ôn luyện thuần thục pháp đã nghe, ứng dụng thực hành, kế thừa những kinh nghiệm nội chứng để phát triển Giới - Định - Tuệ đến viên mãn.

Tin cùng chuyên mục